Thực phẩm tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân lao động

Các mặt hàng thực phẩm thịt lợn, rau xanh tăng giá cao khiến không ít công nhân phải đắn đo, cân đối các khoản chi tiêu mỗi khi đi chợ.

Hầu như công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đa số là người từ nơi khác đến. Họ phải thuê trọ, nuôi con nhỏ bởi vậy với họ tiết kiệm chi phí sinh hoạt là điều rất cần thiết. Với sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, chi phí sinh hoạt của họ.

Dạo quanh khu chợ gần khu trọ của công nhân tại một số khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh).., các loại mặt hàng rau xanh đa dạng, thực phẩm thịt, cá cũng đầy đủ nhưng lại vắng người mua. Nhiều tiểu thương cho rằng dịch bệnh Covid -19 (nCovy) khiến nhiều người ngại ra đường, phần khác do thực phẩm tăng giá khiến sức mua của người dân giảm hơn trước rất nhiều.

Trò chuyện với công nhân lao động ở đây, chúng tôi nhận thấy rằng đi chợ để vừa đảm bảo bữa cơm đủ chất vừa tiết kiệm không phải là điều dễ dàng với nhiều công nhân. Với mức lương công nhân, khi giá cả thực phẩm đều tăng cao do đó tiền đi chợ hàng ngày cũng được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến số tiền tiết kiệm khác.

Với sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Với sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Phần lớn công nhân lao động sống trong các xóm trọ than thở, các mặt hàng thực phẩm tăng giá, mỗi lần đi chợ họ đều phải đắn đo cân nhắc vì giá cả quá cao trong khi mức thu nhập của công nhân thì vẫn vậy.

Chị Nguyễn Thị Hiền (công nhân Cty Canon, khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho biết, giá thịt lợn, rau xanh tăng cao trong thời gian gần đây khiến chị và nhiều công nhân trong Cty gặp khó khăn liên quan đến chi tiêu.

“Gia đình tôi có 4 người (hai vợ chồng và 2 con nhỏ), trước đây đi chợ chỉ khoảng 50 nghìn đồng là tôi chuẩn bị được bữa cơm cho cả gia đình 4 người ăn nay số tiền đó thì không đủ”, chị Hiền chia sẻ.

Cùng chung nỗi lo về giá cả thực phẩm tăng cao, chị Trần Thị Vân (công nhân Cty Canon, thuê trọ tại xã Hải Bối) bày tỏ: Các mặt hàng thực phẩm đều tăng cao nên vợ chồng chị cũng phải căn cơ trong chi tiêu của gia đình.

“Từ rau xanh cho tới thịt lợn, hoa quả…bị tăng giá nên tôi phải tính toán lại chi tiêu sinh hoạt, đặc biệt là khoản tiền đi chợ của gia đình. Thậm chí tôi đã phải nhờ mẹ ở Vĩnh Phúc gửi rau xuống cho hàng tuần để tiết kiệm chi phí”, chị Vân chia sẻ.

Không chỉ lo lắng khi thực phẩm tăng giá, nhiều công nhân còn lo lắng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, do đó nhiều công nhân tại các khu công nghiệp đã chọn cách nhờ người thân ở quê nhà gửi thực phẩm xuống để sử dụng cho an toàn.

Anh Phạm Minh Long (cụm công nghiệp Thanh Oai) cho biết, hai bên nội ngoại đều làm nông nghiệp và chăn nuôi nên rau xanh và những loại thực phẩm như trứng gà, trứng vịt, cá…đều sẵn, bố mẹ hai bên thường xuyên điện thoại bảo cần thì bố mẹ gửi đồ xuống cho, nhưng vợ chồng anh hay từ chối vì ngại bố mẹ vất vả. Nhưng thời điểm này do lo sợ giá thực phẩm tăng cao khiến các tiểu thương lợi dụng để buôn bán những thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc nên vợ chồng anh buộc phải “cầu cứu” bố mẹ gửi đồ ở quê xuống Hà Nội để gia đình anh sử dụng.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-pham-tang-gia-da-anh-huong-khong-nho-den-doi-song-cua-cong-nhan-lao-dong-180336.html