Thực phẩm sạch không phải chuyện trong một tháng

Lần đầu tiên Tháng Hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được phát động là vào năm 1999, tính đến nay đã tròn 20 năm và mỗi năm đều có những thông điệp riêng.

 Người dân chọn mua rau thịt sạch. Ảnh: Thùy Linh.

Người dân chọn mua rau thịt sạch. Ảnh: Thùy Linh.

Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15.4.1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp đảm bảo CLVSATTP, đây là văn bản pháp quy sớm nhất chỉ điều chỉnh về an toàn thực phẩm, có ý nghĩa lớn trong việc huy động tất cả các cấp, các ngành cùng toàn thể xã hội quan tâm đến an toàn thực phẩm, là động lực để xây dựng và ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay.

Thế nhưng, điều đáng lưu tâm là sau 20 năm, câu chuyện thực phẩm bẩn vẫn luôn nóng hổi và tạo được sự quan tâm của xã hội. Đầu năm 2019, con số đáng lo ngại được đưa ra: Số vụ mất an toàn thực phẩm năm 2018 tăng 1,4 lần so với năm 2017.

Năm 2015, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nói về tình trạng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bằng câu nói nổi tiếng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa rất gần”.

Đã có rất nhiều giải pháp từ các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng này. Con số thống kê năm 2018 cho thấy 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỉ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm...

Nỗ lực ấy mới chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng, còn rất nhiều vụ việc vi phạm khác chưa bị phát hiện.

“Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng” không thể chỉ là thông điệp hành động trong một tháng mà phải là thông điệp hằng ngày, tác động vào ý thức từ người sản xuất, nhà cung cấp, chuỗi bán hàng tới người tiêu dùng. Bất kỳ một khâu nào trong chuỗi vận hành ấy vi phạm nghĩa là thông điệp đó không còn giá trị.

Tăng cường kiểm tra, giám sát là việc làm cần thiết nhưng gốc rễ là Nhà nước cần có thêm những chính sách, những khoản đầu tư để người sản xuất tiếp cận được công nghệ sạch.

20 năm cố gắng vì miếng ăn của người dân sẽ thực sự có ý nghĩa khi mà mỗi mớ rau, miếng thịt đến với người dân đã bao gồm khái niệm sạch - chất lượng chứ không phải sau mỗi tháng phát động, lại phải đo xem con đường từ dạ dày đến nghĩa địa còn bao xa.

HOÀNG LÂM

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thuc-pham-sach-khong-phai-chuyen-trong-mot-thang-728048.ldo