Thực phẩm ở lễ hội: Đồ sống để lẫn thức ăn chín

Trong Tết người tiêu dùng phải đối mặt với tình trạng thực phẩm 'bẩn', ra Tết lại tiếp tục với việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nhiều lễ hội.

Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP tại nhiều lễ hội lớn, nhưng không thể giám sát 24/24h. Lượng thực thực phẩm phục vụ cho du khách tại hàng trăm lễ hội quả là rất lớn. Nguồn gốc thực phẩm, chế biến không đảm bảo vệ sinh, vi phạm tiêu chí của thức ăn đường phố đang là điều báo động.

Đền Voi Phục – một trong tứ trấn của Hà Nội đón nhiều lượt khách đến tham quan, lễ hội vào dịp đầu năm. Dọc bên đường vào đền có một số hàng quán bán kẹo mạch nha ngồi ngay dưới đất kéo kẹo. Người đi lại dầy đặc, bụi đất bay vào nồi mạch nha không che đậy.

Tương tự, phủ Tây Hồ là một trong những địa điểm tham quan đón du khách đông nhất mùa lễ hội, hàng ăn bày dọc hai bên đường, bánh tôm rán sẵn bày ngoài tủ kính, dòng người vào lễ đông từ sáng đến tối, cuốn theo bụi bặm. Khu vực phủ Tây Hồ có 21 cơ sở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Vào một hàng bún ốc, quan sát tại khu vực rửa bát, tôi thấy do quá đông khách nên bát đũa bẩn chưa kịp rửa vứt ngổn ngang dưới sàn nhà ướt nhẹp. Rổ rau sống cũng để sát đất, người đi ra vào trông rất mất vệ sinh. Bún ốc, bún riêu cua là món ăn bán chạy sau Tết. Tuy nhiên, nguồn thực phẩm này cũng cần được kiểm soát nghiêm ngặt.

Bởi trước đó, Đội Quản lý thị trường số 28 Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất, đóng gói cua xay tại thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa đã phát hiện 1.061kg thành phẩm cua xay và 113kg bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nơi sản xuất; 5.889kg cua xay nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa trên 163 triệu đồng. Chủ cơ sở này đã bị xử phạt 52 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm ở chùa Hương.

Những ngày này khách đổ về chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) tới cả vạn người một ngày. Xung quanh khu vực tổ chức lễ hội có 55 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Ngoài ra, cả xã Hương Sơn có 145 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cũng tấp nập khách ra vào dịp lễ. Do lượng khách quá đông, nhiều dịch vụ không kịp phục vụ khách, rác thải do đồ ăn thức uống xả bừa bãi gây mất mỹ quan. Nhiều nơi bát đĩa rửa không sạch, người phục vụ dùng tay không chế biến đồ ăn cho khách, thực phẩm bày lộ thiên, không cho vào tủ kính.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 thành phố Hà Nội sau khi kiểm tra 4 cơ sở dịch vụ ăn uống gồm cửa hàng cơm phở Minh Thích, nhà hàng Tịnh Hồng, Quyết Thắng, Ngoan Tiến thì các cơ sở này đều có giấy tờ đăng ký kinh doanh, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, nhân viên có khám sức khỏe và được tập huấn đầy đủ. Tuy nhiên, qua xét nghiệm nhanh, đoàn kiểm tra vẫn phát hiện một số bát ăn chưa sạch, khu ăn uống và chế biến chưa đảm bảo vệ sịnh, còn nhiều rác thải, giấy ăn vứt trực tiếp xuống sàn nhà.

Đặc biệt, các cơ sở này vẫn để thực phẩm sống chín lẫn lộn, chưa được để trong tủ kính. Đoàn đã lấy một số mẫu sản phẩm của các cơ sở dịch vụ ăn uống nhu rau, bún, thịt để xét nghiệm trên xe chuyên dụng.

Theo đánh giá của ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 thành phố thì chất lượng ATVSTP tại khu vực chùa Hương phục vụ lễ hội đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, những cơ sở dịch vụ ăn uống di động chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh, rác thải chưa được thu gom gọn gàng, thức ăn sống chưa được bảo quản trong tủ bảo ôn, bát ăn chưa sạch.

Các đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố của Hà Nội vẫn đang tiếp tục kiểm tra trên nhiều địa điểm tổ chức lễ hội. Theo kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành số 1 tại nhiều lễ hội lớn như khu vực đình Bia Bà (phường La Khê, Hà Đông), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Đền Và, chùa Mía (thị xã Sơn Tây), phủ Tây Hồ thì đa số chưa phát hiện vi phạm lớn như sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, thực phẩm phân hủy để chế biến thức ăn…

Nhưng vi phạm về các tiêu chí của thức ăn đường phố thì xảy ra khá nhiều. Kiểm tra tại 2/3 cơ sở ăn uống lớn tại khu vực ngoài cổng đình Bia Bà đã cho thấy có nhiều vi phạm.

Tại quán ăn Cô Sáu, thời điểm kiểm tra chưa xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh. Kết quả xét nghiệm nhanh các mẫu bún, giò, phẩm màu trong tương ớt đạt yêu cầu nhưng 2/5 mẫu bát chưa sạch, thực phẩm sống chín vẫn còn để lẫn lộn, chưa bố trí riêng biệt. Tại quán bún Lan Cao thì 4/5 mẫu bát chưa đảm bảo vệ sinh, chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm…

Tết năm nay, Hà Nội không xảy ra ngộ độc rượu, nhưng đây cũng là nguy cơ lớn nếu như các cơ sở kinh doanh cố tình sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 37 người mắc tại bếp ăn tập thể đã được xử lý kịp thời, không có trường hợp tử vong. Trong năm 2017, qua kiểm tra, Hà Nội đã phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATVSTP, xử phạt 7.221 cơ sở hơn 38 tỷ đồng.

Lễ hội là nơi dễ gây ra ngộ độc thực phẩm nếu không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt khi vẫn còn nhiều vi phạm về bảo quản thực phẩm không đúng yêu cầu, vi phạm về thức ăn đường phố. Việc kiểm tra cũng chỉ có hạn, không thể 24/24 giờ và kiểm tra được tất cả các cơ sở.

Thiết nghĩ, ngoài xử lý nghiêm vi phạm, chính quyền địa phương cần tăng cường truyền thông để người dân lựa chọn và tin dùng những thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/thuc-pham-o-le-hoi-do-song-de-lan-thuc-an-chin-480679/