Thực phẩm nhập ngoại gia tăng

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Các doanh nghiệp (DN) thực phẩm đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đức… đang tìm cách đưa hàng hóa vào sâu hơn trong thị trường Việt Nam.

Chân gà không rõ nguồn gốc - mối lo thực phẩm mất an toàn.

Làn sóng ngoại ngày một mạnh hơn

Một dữ liệu đo lường bán lẻ của Nielsen tại cả hai kênh truyền thống và hiện đại trên toàn quốc đã chỉ ra rằng doanh số của ngành hàng thực phẩm tăng trưởng 7% trong năm 2017. Trong khi đó số liệu của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này mở ra cơ hội cho cả DN trong nước lẫn DN nước ngoài. Tuy nhiên, với riêng DN nội, thì thách thức mất thị phần trong nước cũng đang dẫn hiện ra. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, đã xuất hiện làn sóng thực phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu... đang dồn về Việt Nam.

Mới đây nhất, vào ngày 30/8, Chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và thúc đẩy bán các sản phẩm hàng tiêu dùng, thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của 11 công ty thực phẩm đến từ Hàn Quốc K- Foodrand Việt Nam được công bố khởi động. Theo đó từ 15/8/2018, lần đầu tiên 11 nhãn hàng ẩm thực nổi tiếng của xứ sở Kim chi Hàn Quốc có mặt tại Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc, Lee Chang Hwan cũng cho rằng, tăng trưởng trong tiêu dùng thực phẩm đang tạo động lực lớn cho các thương hiệu Hàn Quốc đổ tới Việt Nam.

Trước đó nữa, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, khảo sát về tình hình đầu tư cũng như xu hướng đầu tư của các DN Nhật Bản gần đây cho thấy, hiện Việt Nam đang là thị trường tiềm năng của ngành hàng nông thủy sản Nhật Bản.

Quy mô dân số gần 100 triệu người của Việt Nam khiến bất kỳ đại gia ngành hàng tiêu dùng thực phẩm nào cũng phải khát khao, dù cạnh tranh trong lĩnh vực này vô cùng khốc liệt. Có thể kể tên vô số đại gia chế biến thực phẩm - đồ uống của cả trong và ngoài nước đang tìm cách khẳng định mình tại thị trường nội địa.

Theo giới chuyên gia, với hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, thực phẩm - đồ uống nhập khẩu đã và đang tiếp tục vào Việt Nam. Các nhãn hàng nước ngoài không chỉ kết hợp với nhà phân phối nội mà còn đầu tư hẳn cả chuỗi siêu thị. Điều này khiến cho khối DN nội lo lắng. Ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh này, hàng Việt sẽ ngày càng chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn trên chính đất nước mình. Điều đó buộc DN phải thay đổi cách quản trị, đào tạo nhân lực chất lượng cao, thực hiện liên kết tốt hơn mới có thể tồn tại.

Nỗi lo từ thực phẩm không rõ nguồn gốc

Trong một diễn biến khác, người tiêu dùng không khỏi lo ngại trước việc nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, được cho là nhập từ nước ngoài, đang xuất hiện ngày một nhiều hơn trong các chợ truyền thống lẫn các kệ hàng siêu thị.

Rõ nhất là loại gà “5 không”: Không đầu, không chân, không nội tạng, không bao bì nhãn mác, không có dấu kiểm dịch. Loại thực phẩm này bày bán ở khá nhiều chợ, ven đường tại các đô thị, nhiều nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội với mức giá khoảng 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg, rẻ gần bằng 1/3 gà lấy thịt trên thị trường. “Gà 5 không” được bán dưới dạng tươi sống hoặc chế biến (quay, luộc). Loại gà này được cho là gà dai có xuất xứ từ Hàn Quốc. Trong khi giá 1kg gà ta tại thị trường Hà Nội, ngày 3/9, là 130.000 đồng/kg.

Còn tại nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, cơ quan chức năng cũng phải “đau đầu” với việc thịt gà “vượt biên”. Đó là loại gà thịt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, không có giấy kiểm dịch vệ sinh thú y. Trong những lô hàng bị lực lượng chức năng thu giữ, có nhiều con đã chết. Hầu hết chúng là gà thải loại từ các cơ sở chăn nuôi bên kia biên giới, với giá bán trong khoảng 40.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, các sản phẩm thịt đó thực chất là gà thải loại, sau hai đến ba năm nuôi để khai thác trứng. Trong quá trình này, người nuôi thường tiêm phòng nhiều vaccine, trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho gà. Sau thời gian dài, tồn dư kháng sinh trong thịt gà thải loại rất cao, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu người tiêu dùng ăn nhiều thịt gà này, sẽ tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, nhờn thuốc kháng sinh.

Người ta cũng lo lắng khi thấy có quá nhiều chân gà, cánh gà, nội tạng gà, lợn..., không biết xuất xứ từ đâu. Đây được coi là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt Nam, trong khi với các nước lại không sử dụng. Như vậy, chúng đã được ngâm tẩm hóa chất bảo quản, trước khi vào Việt Nam. Tồn dư hóa chất độc hại là không tránh khỏi, cũng như thực phẩm chưa qua chế biến để quá lâu ngày (có khi tới vài tháng) chắc chắn sẽ nhiều nguy cơ ủ bệnh tật.

Về phía người chăn nuôi, họ cũng buộc phải đứng trước sức ép rất lớn về giá gia súc, gia cầm xuất chuồng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại neo ở mức cao.

Vì thế, việc siết lại nhập thực phẩm tươi sống là rất cần thiết, trước khi kêu gọi người tiêu dùng hãy là những “thượng đế thông minh”; hay là việc bảo hộ người chăn nuôi trong nước.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 88.643 tấn thịt gà đã qua giết mổ, tổng giá trị là 84.377.000 USD. Giá trị nhập khẩu trung bình là 952 USD/tấn, tức chưa đến 1 USD/kg thịt gà. Riêng tháng 6, giá nhập khẩu trung bình thịt gà đã qua giết mổ chỉ đạt 882 USD/tấn, tương đương 0,882 USD/kg.

Còn thống kê của Chi cục Thú y TPHCM cho thấy trung bình mỗi ngày người dân thành phố này tiêu thụ gần 80 tấn thịt gà ngoại, riêng những ngày cuối tuần, dịp lễ lên đến khoảng gần 200 tấn/ngày.

T.Hằng-N.Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/thuc-pham-nhap-ngoai-gia-tang-tintuc414521