Thực phẩm in 3D giúp ích cho người cao tuổi

Ngày nay, các máy in 3D đang được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất sô-cô-la và bánh ngọt. Song tại Singapore, các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm ý tưởng dùng chúng để in những thực phẩm được 'thiết kế' riêng cho người cao tuổi.

Thực phẩm in 3D làm từ cà rốt, khổ qua, cải bó xôi và đậu Hà Lan được các nhà khoa học Singapore thể hiện qua nhiều hình dáng đẹp mắt.

Thực phẩm in 3D làm từ cà rốt, khổ qua, cải bó xôi và đậu Hà Lan được các nhà khoa học Singapore thể hiện qua nhiều hình dáng đẹp mắt.

Như với sầu riêng, chúng tôi có thể giảm hàm lượng đường và tăng thêm hàm lượng canxi và vitamin D trong nó. Chúng tôi còn có thể sử dụng cách in 3D để tái xây dựng sầu riêng thành một hình dạng trông quen thuộc với người cao tuổi” - Evelyn Ong, quản lý cấp cao tại Trường Bách khoa Singapore, chia sẻ một ví dụ về thực phẩm in 3D. Theo đó, công nghệ này có thể giúp tạo ra các món ăn không chỉ ngon miệng và tốt cho sức khỏe, mà còn dễ nhai hơn dành cho người cao tuổi - đối tượng vốn bị giảm khả năng nhai nuốt vì tuổi già. Còn tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), các chuyên gia đang nỗ lực cải tiến các phương pháp in 3D thực phẩm, bao gồm việc phát triển một loại mực thực phẩm mới có thể dùng duy trì cấu trúc thực phẩm. Loại mực này có thành phần tương tự như kem đánh răng.

Hiện nay, một số nhà nghiên cứu đang phối hợp với Bệnh viện Khoo Teck Puat để cung cấp các bữa ăn in 3D dành cho bệnh nhân cao tuổi và suy yếu đang gặp khó khăn với việc nhai/nuốt thức ăn. Những bữa ăn đặc biệt này bao gồm khoai lang, cá, đậu Hà Lan và thậm chí là sữa. “Thức ăn cần phải bổ dưỡng và quan trọng hơn là phải hấp dẫn về mặt thị giác, sao cho bệnh nhân cao tuổi hoặc người bị đột quỵ có thể ăn và muốn ăn chúng” - Gladys Wong, chuyên gia dinh dưỡng tại Khoo Teck Puat, nói. Hiện bà Wong đang nhắm vào những loại bột nghiền, vốn dễ nuốt và có thể được sản xuất nhất quán. Một số thực phẩm đã được in 3D thành công bao gồm cà rốt, khổ qua, cải bó xôi, đậu hà lan, trong khi các nhà nghiên cứu cũng dự định in thêm gà, trái cây và cơm.

Chung ý tưởng trên, Anrich3D - một công ty trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang - cũng đang phát triển công nghệ thực phẩm in 3D, dựa trên nhu cầu dinh dưỡng cá nhân. Mục tiêu của họ là sản xuất hàng loạt bữa ăn cá nhân hóa - dành riêng mỗi người, chẳng hạn như bánh mì kẹp thịt, pizza và bánh sandwich, bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại di động và máy bán hàng tự động trong tương lai.

Thật ra, ý tưởng dùng công nghệ in 3D để “thiết kế” thực phẩm dành riêng cho người cao tuổi không chỉ xuất hiện tại Singapore. Hiện có 2 thành phố ở Thụy Điển đã triển khai công nghệ in thực phẩm mới mẻ này tại các viện dưỡng lão. Mục đích của họ là tạo ra những thực phẩm mềm mịn, giống như thật nhằm kích thích cảm giác thèm ăn của các cư dân cao tuổi. Năm ngoái, Công ty công nghệ thực phẩm Open Meals (Nhật Bản) đã tạo ra món sushi in 3D có thể tùy chỉnh để phù hợp với từng thực khách, dựa trên dữ liệu sinh học của từng người.

Được biết, một máy in thực phẩm 3D thương mại có giá khá đắt, hơn 3.500USD. Song nhiều chuyên gia nhận định khả năng công nghệ in 3D thực phẩm có thể thay đổi ngành dịch vụ và sản xuất thực phẩm chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giáo sư Chua Chee Kai, người đứng đầu bộ phận Phát triển sản phẩm kỹ thuật tại SUTD, ước tính thị trường thực phẩm in 3D có giá trị vào khoảng 49 triệu USD trên toàn cầu vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên hơn 400 triệu USD vào năm 2024. Trong tương lai, ông nhận định các hộ gia đình cũng như nhà hàng có thể cũng sử dụng công nghệ in thực phẩm theo nhu cầu.

AN NHIÊN (Theo CNA)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/thuc-pham-in-3d-giup-ich-cho-nguoi-cao-tuoi-a118745.html