Thực phẩm chức năng: Quảng cáo lập lờ, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng những vi phạm trong quảng cáo, buôn bán TPCN là hành vi lưu manh, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

Trong số những vi phạm mà Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xử lý, có đến 53 % liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN). Đơn cử như trường hợp sai phạm của công ty Đông Nam Dược (có địa chỉ tại tầng 23 tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, Hà Nội) đang được các cơ quan chức năng xử lý.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Công ty này kinh doanh TPCN theo phương thức bán hàng online với nhiều sản phẩm liên quan đến bệnh lý mãn tính, làm đẹp.

Cùng với việc thổi phồng công dụng, công ty này còn sử dụng phương thức hù dọa người bệnh thiếu hiểu biết về bệnh trong bối cảnh họ đang có tâm lý lo lắng về nỗi đau bệnh tật với những cuộc tư vấn online nhiệt tình.Theo ông Phong, chưa nói đến chất lượng các sản phẩm này như thế nào nhưng các sản phẩm được đăng ký dưới dạng TPCN thì chỉ có công dụng "hỗ trợ điều trị bệnh" song chúng được các đối tượng điều hành của công ty này quảng cáo thổi phồng là có tác dụng điều trị, chữa bệnh như thuốc với các ngôn từ: "chữa bệnh triệt để", "điều trị khỏi bệnh".

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đã đích thân nhấc máy gọi tư vấn, với căn bệnh liên quan đến đốt sống và được tư vấn viên khẳng định dùng sản phẩm là khỏi bệnh.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. (Ảnh: Dân Trí)

Ông Phong khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ rất phổ biến. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.

Tôi phải gọi đó là hành vi lưu manh, bất chấp luân thường đạo lý”, ông Phong nói.

Ông Phong cho biết Cục đã ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo của các sản phẩm của Công ty Đông Nam Dược. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thanh kiểm tra đột xuất với các địa chỉ khác của các công ty tương tự.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng thông báo một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai giống thuốc chữa bệnh... mà đã kinh doanh. Như trường hợp của 3 công ty có lượng kinh doanh rất lớn qua mạng Cục An toàn thực phẩm đang xác minh. Sớm nhất Cục sẽ làm việc với công ty có sản phẩm chưa công bố chất lượng đã bán trong siêu thị. Hay một số công ty đã thay đổi địa điểm mà không thông báo lại với cơ quan quản lý cũng sẽ bị thu hồi.

Người tiêu dùng đang bị bao vây bởi hàng loạt các quảng cáo vi phạm pháp luật. (Ảnh: Gia Đình Mới)

Ngoài ra, theo ông Phong, mô-típ chung về các sai phạm trong lĩnh vực này là các công ty kinh doanh TPCN tập trung vào nhóm các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh mãn tính (như tiểu đường, xương khớp, bệnh theo mùa...), bệnh khó nói (như viêm nhiễm phụ khoa, bệnh da liễu, yếu sinh lý), bệnh nan y (như ung thư) và có nhu cầu cao (như làm đẹp, giảm béo) với chiêu bài: thuốc đông y gia truyền nổi tiếng; thành phần thảo dược thiên nhiên an toàn...

Mặc dù là sản phẩm TPCN nhưng lại cam kết như thuốc đặc trị có thể chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Phương thức kinh doanh chủ yếu là tư vấn và bán hàng online, nếu người tiêu dùng có nhu cầu tư vấn hoặc mua hàng trực tiếp thì lập tức bị đe dọa, khống chế như: mất phí khám bệnh; tăng giá sản phẩm, không lưu hồ sơ bệnh án...

Thậm chí, để lấy niềm tin người tiêu dùng, chúng sử dụng hình ảnh nhân viên y tế, thư cảm ơn bệnh nhân, cơ sở y tế, người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm.

Tuy nhiên, tất cả các điều kể trên đều là sai phạm với các lỗi cụ thể như: Quảng cáo khi chưa có sự thẩm định, cho phép của cơ quan chuyên môn; Quảng cáo quá nội dung được phê duyệt; Sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế, cơ sở y tế, thư cảm ơn bệnh nhân để quảng cáo về công dụng sản phẩm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, khi người tiêu dùng gặp phải những tình huống trên cần cảnh giác tránh mắc bẫy, đồng thời có thể báo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra.

Anh Phương/GĐPL

Bạn đang đọc bài viết "Thực phẩm chức năng: Quảng cáo lập lờ, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh" tại chuyên mục Cảnh báo của Khỏe 365. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư : khoe365@nguoiduatin.vn.Hotline: 093 4343 637.

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/thuc-pham-chuc-nang-quang-cao-lap-lo-truc-loi-tren-noi-dau-cua-nguoi-benh-50145.htm