Thực phẩm biến đổi gen: Từ sợ hãi đến sự thật

Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), diện tích cây trồng biến đổi gen đã tăng gấp 110 lần sau 21 năm thương mại hóa, cùng với đó là sự mở rộng của thực phẩm biến gen để cung cấp đủ thực phẩm cho dân số thế giới cũng trên đà tăng mạnh.

Người tiêu dùng đang quá lo lắng

Dù là vậy nhưng đến nay, người tiêu dùng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm với thực phẩm biến đổi gen. Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cũng như Bộ TN-MT đã phê chuẩn giống cây trồng chuyển gen trên ngô, đây được xem như một bước đột phá trong công nghệ sinh học. Song, không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ về cây trồng biến đổi gen (GMO) và thực phẩm biến đổi gen.

Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ cây trồng biến đổi gen đã có lịch sử hơn 30 năm nghiên cứu, đánh giá được ủng hộ mạnh mẽ bởi những bằng chứng khoa học và kết luận của cộng đồng khoa học toàn cầu. Trên thực tế, cây trồng GMO đã trải qua nhiều đánh giá và thử nghiệm hơn bất kì loại thực phẩm nào khác trong lịch sử nông nghiệp.

Công nghệ sinh học đã được chứng minh là an toàn cho con người

Các tổ chức khoa học quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã đánh giá bằng chứng về sự an toàn và lợi ích của công nghệ sinh học thực phẩm. Các tổ chức này đều ủng hộ việc sử dụng có trách nhiệm công nghệ sinh học đối với những tác động tích cực hiện nay và tương lai trong việc giải quyết mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và phát triển bền vững.

Hội Y khoa của Mỹ - một trong những quốc gia được coi là cái nôi và mảnh đất của cây trồng GMO cũng bày tỏ, các loại thực phẩm công nghệ sinh học an toàn đã được sử dụng từ năm 1996, chưa có một bằng chứng nào về sự độc hại xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Người tiêu dùng đang quá lo lắng và ủng hộ việc dán nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen.

Thực phẩm biến đổi gen đã được nhiều tổ chức khoa học, nhà khoa học đánh giá rủi ro

Đã được đánh giá rủi ro, không gây hại

Theo thông tin báo chí phát đi từ Cộng đồng chung Châu Âu về kết quả 10 năm nghiên cứu sinh vật biến đổi gen cũng cho thấy, báo cáo tóm tắt kết quả của 50 đề án nghiên cứu chủ yếu tập trung vào tính an toàn của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường, sức khỏe của con người và vật nuôi. Các nghiên cứu đó được tiến hành trong giai đoạn 2001 – 2010 được tài trợ bởi Cộng đồng chung Châu Âu với nguồn kinh phí khoảng 200 triệu Euro.

Theo kết quả của dự án, tính đến thời điểm hiện tại, khẳng định không có bất cứ bằng chứng khoa học cho thấy mối liên hệ giữa sinh vật biến đổi gen với những rủi ro lớn hơn đối với môi trường, và sự an toàn của thực phẩm, thức ăn chăn nuôi so với các sinh vật và cây trồng truyền thống.

Ngoài ra, theo báo cáo của FAO về thực trạng phẩm và nông nghiệp năm phát đi năm 2016, công nghệ sinh học dù ở trình độ cao hay thấp đều có thể giúp các nhà sản xuất đặc biệt nông hộ quy mô nhỏ có thể linh hoạt và ứng phó tốt hơn với các thách thức đến từ biến đổi khí hậu.

Nhà thực vật học Norman Borlaug, người đoạt giải Nobel Hòa bình cũng có chung quan điểm: “Khoa học và công nghệ mới, bao gồm các công cụ công nghệ sinh học sẽ cần thiết để tạo ra các loại cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu như hạn hán, nắng nóng và lũ lụt. Nghiên cứu này sẽ góp phần giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho sản xuất trong tương lai trước tác động của sự nóng lên trên toàn cầu”.

CropLife Việt Nam cho rằng, với mỗi loại thực phẩm biến đổi gen tính an toàn của chúng nên được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, không thể có một báo cáo chung về sự an toàn của tất cả các loại thực phẩm biến đổi gen.

Những thực phẩm chuyển gen có mặt trên thị trường hiện nay đều đã được thông qua đánh giá rủi ro và không hề có khả năng gây hại cho sức khỏe người dùng, điều này được chứng minh dựa vào kết quả tiêu thụ của phần lớn người dân tại các quốc gia phê duyệt sử dụng thực phẩm biến đổi gen. Duy trì đánh giá rủi ro dựa trên những nguyên tắc của Codex và hoạt động giám sát thị trường là cơ sở cho công tác đánh giá sự an toàn của loại thực phẩm này.

Trúc Vinh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/thuc-pham-bien-doi-gen-tu-so-hai-den-su-that/772000.antd