Thực lực vàng của Nga đang tăng chóng mặt

Lần đầu tiên sau 8 năm, Nga có thể vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành bên nắm giữ lớn thứ 4 thế giới về ngoại tệ, vàng và các loại chứng khoán, theo đánh giá của Bloomberg.

Dự trữ vàng và ngoại hối của Nga dự kiến sẽ vượt xa Saudi Arabia, điều cho phép Moscow có bước "nhảy vọt" lên trên Riyadh trong bảng xếp hạng quốc tế, với các vị trí hàng đầu hiện thuộc về Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ.

Sự gia tăng đều đặn của kho dự trữ này có thể sẽ giúp cho Nga gia tăng ảnh hưởng trong OPEC và ổn định đồng rúp nội tệ, ngay cả trong trường hợp giá dầu giảm mạnh.

Thách thức về dầu mỏ

Đánh giá trên được đưa ra từ các nhà phân tích của Bloomberg, những chuyên gia kết luận rằng dự trữ tài sản quốc tế của Nga đã tăng 45% trong bốn năm qua, trong khi theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Nga công bố, con số này lên tới khoảng 520 tỷ USD vào cuối tháng 7.

Trong cùng khoảng thời gian bốn năm này, dự trữ vàng và ngoại tệ của Saudi đã giảm một phần tư, từ 700 tỷ USD vào tháng 4 năm 2015 xuống còn 527 tỷ USD vào tháng 6 năm 2019, do đó thu hẹp khoảng cách giữa Moscow và Riyadh.

Một điều nữa là cả hai nền kinh tế này đều phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng - và tình hình trên thị trường dầu mỏ hiện tại ngày càng không chắc chắn.

Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong 5 tháng đầu năm 2019, nhu cầu dầu thế giới chỉ tăng 520.000 thùng/ngày - con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vàng có thể giúp đồng tiền Nga ổn định khi giá dầu biến động. Nguồn: Sputnik

Vàng có thể giúp đồng tiền Nga ổn định khi giá dầu biến động. Nguồn: Sputnik

Cơ quan này đánh giá rằng các cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã kéo theo sự sụp đổ của ngành vận tải biển trên toàn thế giới và đây là lý do chính cho nhu cầu nhiên liệu đang "rất chậm chạp". Tranh chấp thương mại chưa được giải quyết giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và gói thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9 sẽ chỉ làm xu hướng hiện tại thêm trầm trọng và theo đó đẩy nhu cầu vận tải nhiên liệu, cũng như giá dầu, tiếp tục giảm.

Theo kịch bản này, Saudi sẽ phải dùng tới tiền từ kho dự trữ của mình, trong khi Nga thì tình hình lại khác.

Bỏ tất cả trứng vào rổ vàng

Trong vài năm qua, Nga đã liên tục dự trữ vàng, trở thành người mua vàng lớn nhất thế giới trong quý đầu tiên của năm 2019, đồng thời giảm mạnh việc nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ - một phần của nỗ lực giảm sử dụng đồng đô la Mỹ trong nền kinh tế (từ con số 160 tỷ USD giá trị chứng khoán năm 2013 đã giảm xuống còn 10,8 tỷ USD vào tháng 6 năm 2019).

Saudi nắm giữ hơn 170 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, nhưng trữ lượng vàng của nước này chỉ chiếm 0,08% tính đến tháng 6 năm nay. Trong khi tỷ lệ kim loại quý này trong dự trữ của Ngân hàng Nga tăng vọt từ 3,5 đến 18,6% trong khoảng thời gian 5 năm. Trong khi đó, giá vàng vẫn cho thấy xu hướng tăng. Từ mốc 1.280 USD vào đầu tháng 6, giá vàng đã lên mốc1.530 USD vào thứ Sáu tuần trước. Với giá vàng như vậy, giá trị dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nga đã tăng thêm 10,2 tỷ USD và lên mức 527,1 tỷ USD.

Giá của vàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng toàn cầu sắp xảy ra, hay còn gọi là "bức tường lo lắng", bao gồm các cuộc chiến thương mại, Brexit, khủng hoảng chính trị ở Venezuela, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, căng thẳng leo thang ở Iran, và sóng gió giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir, v.v.

"Bức tường lo lắng" đã được bổ sung thêm một hiện tượng lạ trong thị trường trái phiếu Mỹ vào thứ Tư tuần trước: Lợi tức trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện đã phá vỡ mốc thấp hơn trái phiếu 2 năm, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư được nhiều lãi hơn khi cho Mỹ vay trong hai năm so với việc cho vay trong hơn 10 năm.

Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại đây là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế. Một hiện tượng tương tự đã được quan sát thấy vào tháng 12 năm 2005, hai năm trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008.

Ảnh hưởng về dự trữ ngoại hối?

Với sự hiện hữu của "bức tường lo lắng", nhiều nhà đầu tư không sẵn sàng chấp nhận rủi ro và điều này khiến họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển tiền từ trái phiếu sang vàng - điều dự kiến sẽ đẩy nhu cầu về loại kim loại quý gia tăng và kéo theo giá vàng tăng. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Julius Baer có trụ sở tại Thụy Sĩ tin rằng trong ba tháng tới, vàng sẽ tăng giá lên tới 1.575 USD mỗi ounce.

Sau đó, giá trị từ trữ lượng vàng của Nga sẽ tăng lên, và sẽ giúp họ đạt được vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng quốc tế.

"OPEC không còn có thể phớt lờ Nga vì tầm quan trọng của họ như là một nhà xuất khẩu dầu mỏ và nền kinh tế của nước này. Người Nga sẽ tiếp tục làm việc với Saudi về vấn đề sản xuất dầu", Bloomberg trích dẫn nhận định của Elina Ribakova, một chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington.

Bên cạnh việc đạt được nhiều ảnh hưởng hơn trong OPEC, dự trữ quốc tế ngày càng tăng sẽ đảm bảo sự ổn định của đồng tiền Nga bất chấp biến động của giá dầu thế giới.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thuc-luc-vang-cua-nga-dang-tang-chong-mat-20190819164832421.htm