Thực hư việc NXB Giáo dục chi thù lao cho cán bộ Sở Giáo dục TP HCM?

Vừa qua, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có chi thù lao cho một số lãnh đạo thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh (là thành viên Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam) với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 nêu rõ: Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Tuy nhiên, phía NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định việc chi thù lao và việc lựa chọn sách hai việc hoàn toàn tách bạch, không liên quan và không nên hiểu sai lệch giữa chế độ và trách nhiệm.

Sự việc bắt đầu từ ngày 10/3/2015, một cuộc họp diễn ra giữa đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh (gồm ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc, bà Phạm Kim Oanh, Phó Chánh Văn phòng, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, ông Hoàng Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học) và NXB Giáo dục Việt Nam (gồm ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐTV, ông Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, ông Phạm Văn Hồng, Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh,…). Cuộc họp đã thống nhất chủ trương về sự liên hết giữa 2 đơn vị này đồng thời lập Ban chỉ đạo gồm các thành viên thuộc 2 đơn vị.

Trên tinh thần đó, ngày 31/3/2015, ông Ngô Trần Ái đã ký văn bản số số 456A/NXBGDVN gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc “NXB Giáo dục Việt Nam hợp tác với Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức biên soạn thêm một Bộ SGK để phục vụ học sinh, giáo viên TP Hồ Chí Minh nếu được Hội đồng thẩm định quốc gia xét duyệt, cho phép lưu hành”.

Ngày 14/4/2015, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ký văn bản số 1747/ BGDĐT-VP gửi NXB Giáo dục Việt Nam, trong đó nêu ý kiến khuyến khích, đánh giá và lưu ý khi xây dựng Bộ SGK.

Sau khi bắt tay vào việc, ngày 25/9/2015, NXB Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau ký hợp đồng mang tên là “Hợp đồng nguyên tắc” về việc tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới sau năm 2015. Về phía Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đại diện là ông Lê Hồng Sơn, về phía NXB Giáo dục Việt Nam đại diện là ông Ngô Trần Ái (với vai trò là Trưởng ban chỉ đạo biên soạn SGK mới).

Tại điều 1 Hợp đồng này ghi rất rõ “phụ cấp trách nhiệm hàng tháng của Ban chỉ đạo để duy trì hoạt động thường xuyên là: Trưởng ban 6.000.000đ/người, Phó Trưởng ban 5.000.000đ/người, Ủy viên thường trực 4.000.000đ/người, Ủy viên 3.500.000đ/người”.

Như vậy, có thể thấy ông Ngô Trần Ái chính là người đã ký Biên bản ghi nhớ về việc NXB Giáo dục Việt Nam hợp tác với Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh để biên soạn một bộ SGK cho địa bàn TP Hồ Chí Minh, với tư cách Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng: thù lao này là khoản thụ hưởng hợp pháp của các cán bộ theo quyết định đã được phê duyệt. Trong khi đó, việc lựa chọn bộ SGK mới năm học 2020 - 2021 do các cơ sở giáo dục lựa chọn dựa trên rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn và theo một quy trình thống nhất, cụ thể. Việc chi thù lao và việc lựa chọn sách hai việc hoàn toàn tách bạch, không liên quan và không nên hiểu sai lệch giữa chế độ và trách nhiệm.

Trong khi đó, một chuyên gia ngành giáo dục nhận định: Việc nhận thụ hưởng từ việc làm SGK, là sự tăng thêm trách nhiệm chứ không nên coi đó là khoản tiền để “mua bộ sách”.

Cũng theo ông Tùng, Ban chỉ đạo xuất bản bộ SGK có vai trò rất lớn trong việc đã định hướng - tư vấn chuyên môn, tập hợp đội ngũ, giới thiệu lựa chọn tác giả biên soạn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo… cho đội ngũ tác giả; phản biện, góp ý, chỉnh sửa nội dung các bản thảo; hỗ trợ triển khai thực nghiệm SGK mới.

Như bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam đã ra đời và được phê duyệt là sự góp sức của nhiều tác giả, chủ biên, chuyên gia… Các thành viên Ban chỉ đạo đã đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau, mức độ tính chất khác nhau, trong thời gian tương đối dài. Việc trả thù lao là việc làm cần thiết và đúng luật. Nên có đánh giá đúng mực và khách quan trong vấn đề chi trả và trách nhiệm. Chất lượng bộ SGK chính là thước đo quan trọng nhất.

Trong khi đó, với chủ trương xã hội hóa xuất bản SGK, thị trường SGK không chỉ có mình NXB Giáo dục Việt Nam mà còn có hợp tác 3 bên: NXB Sư phạm, NXB Sư phạm TP HCM, Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) do ông Ngô Trần Ái làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, xuất bản. Đây cũng là các chủ sở hữu bộ SGK “Cánh diều”, một trong 5 bộ SGK lớp 1 mới đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bộ sách quy tụ nhiều chuyên gia như GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT 2018, GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán, GS Mai Sỹ Tuấn, chủ biên chương trình môn khoa học tự nhiên; GS Đặng Ngọc Quang, chủ biên chương trình môn khoa học tự nhiên.

Còn bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam đã được giới thiệu là có thông điệp, bản sắc riêng và cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Bộ sách kết nối kiến thức với cuộc sống, dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, tổ chức dạy học sinh theo cách sáng tạo để gợi hứng thú cho người học. Đặc biệt, bộ sách phù hợp với học sinh trên mọi vùng miền…

32 tên sách thuộc 5 bộ SGK đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua. Trong số này có cả sách “Chân trời sáng tạo” hay “Cánh diều” chứng tỏ cả 2 bộ sách đều đảm bảo chất lượng để được sử dụng trong các nhà trường.

Sức sống của các bộ sách sẽ được thực tiễn chứng minh.

Anh Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/thuc-hu-viec-nxb-giao-duc-chi-thu-lao-cho-can-bo-so-giao-duc-tp-hcm-tintuc457017