Thực hư việc cư dân 'nợ' tới 80 triệu tiền phí dịch vụ chung cư

Thời gian vừa qua, tại nhiều dự án chung cư ở Hà Nội, một số cư dân trong đó có cả chung cư cao cấp bị cắt nước do không đóng phí dịch vụ.

Theo phản ánh của cư dân chung cư CT3 Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), những ngày qua, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội (Công ty C'land) đã cắt nước sinh hoạt của 18 hộ dân.

Cư dân cho biết, việc cắt nước đã diễn ra từ đầu tháng 9, ban đầu chủ đầu tư chỉ cắt nước của hai hộ gia đình số 1104 và 12B05 (nhà của Trưởng ban, Phó trưởng Ban Quản trị - PV), nhưng tính đến ngày 25/9 đã có 18/87 hộ gia đình bị cắt nước. Một số hộ đã phải mang xô, chậu xuống sảnh để xếp hàng mua nước.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Ban quản trị (BQT) lý do bị cắt nước vì chủ đầu tư cho rằng người dân đang “nợ phí” quản lý vận hành. Trong khi đó, đại diện BQT cho biết, hiện nay, công ty C'Land không có Hợp đồng quản lý vận hành tòa nhà với BQT, không phải là đơn vị quản lý vận hành tại tòa nhà CT3 theo quy định của pháp luật.

Nhiều cư dân ở CT3 - 81 Lê Đức Thọ đã treo băng rôn quanh nhà phản đối việc chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt.

Nhiều cư dân ở CT3 - 81 Lê Đức Thọ đã treo băng rôn quanh nhà phản đối việc chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt.

“Đầu năm 2017, sau khi thành lập BQT, được sự nhất trí của cư dân, chúng tôi đã thuê đơn vị quản lý vận hành tòa theo quy định nhưng chủ đầu tư không bàn giao công tác quản lý vận hành mà tiếp tục đứng ra để thực hiện việc quản lý vận hành từ đó đến nay. Cư dân tòa nhà cho rằng hành vi này vi phạm nên không đóng phí”, đại diện BQT cho hay.

Trong khi đó, trao đổi với , ông Mai Hoàng Anh - Phó Giám đốc Công ty C’Land cho biết, việc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với những hộ dân trên là việc làm bất đắc dĩ. Nguyên do là gần 2 năm nay những hộ này chưa đóng phí quản lý vận hành, phí trông giữ xe tại chung cư CT3.

Theo ông Hoàng Anh, nguyên nhân các hộ dân không đóng phí dịch vụ xuất phát từ việc BQT không chịu nhận bàn giao phần sở hữu chung riêng theo quy định. Cụ thể là khu vực tầng hầm chung cư.

“BQT cho rằng chỗ để ô tô là của chung, trong khi chúng tôi khẳng định đó là phần sở hữu riêng của chủ đầu tư bởi chủ đầu tư giữ lại không bán, không phân bổ vào giá bán căn hộ. Sở Xây dựng Hà Nội cũng có hướng dẫn trên cơ sở hồ sơ, hợp đồng mua bán đã ký với các hộ dân thì diện tích nơi để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và chủ đầu tư phải đảm bảo phục vụ nhu cầu để xe của tòa nhà. Trên cơ sở đó, cư dân được ưu tiên sử dụng nhưng phải đóng phí dịch vụ, gửi xe cho chủ đầu tư nhưng BQT không đồng ý việc đó. Điểm vướng mắc này đến nay chưa được giải quyết” – đại diện chủ đầu tư cho biết.

Cũng theo vị này, nhiều lần chủ đầu tư đã gửi văn bản cho BQT nhà chung cư, đề nghị đại diện cư dân nhận bàn giao phần sở hữu chung – riêng nhưng BQT không hợp tác nhận bàn giao theo quy định của pháp luật. Do đó, việc bàn giao diện tích sở hữu chung – riêng tại tòa nhà chưa thực hiện được.

Được biết, từ tháng 6/2017 Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn 5419 và tháng 12/2017 Sở Xây dựng tiếp tục có công văn số 12356 hay UBND quận Nam Từ Liêm cũng có công văn 82 (tháng 1/2018) đều hướng dẫn rõ: “Trong thời gian hai bên chưa hoàn thành xong việc phân định sở hữu chung – riêng tại tòa nhà và chưa bàn giao công tác quản lý vận hành thì Chủ đầu tư phối hợp với các bên liên quan (chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư) thực hiện quản lý, sử dụng đảm bảo công tác quản lý vận hành tòa nhà…”.

“Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Nam Từ Liêm đều thống nhất hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục thực hiện công việc quản lý vận hành đến khi phân định xong sở hữu chung riêng theo quy định Thông tư 02” - Phó Giám đốc Công ty C’Land lý giải.

Tuy nhiên, cư dân lại không đồng ý với hướng dẫn của Sở Xây dựng khiến mâu thuẫn không được giải quyết, ngày càng căng thẳng.

Việc BQT và một số hộ dân nhà chung cư CT3 không đóng phí quản lý vận hành, phí gửi xe trong hơn 2 năm qua, theo đại diện Công ty C’Land số nợ lên tới gần 2 tỷ đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư. Đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cư dân, môi trường làm việc của khách hàng cũng như công tác PCCC và an ninh trật tự tại tòa nhà.

“Những hộ dân nợ tiền phí dịch vụ từ 6/2017 với họ nợ cao nhất khoảng 80 triệu còn trung bình nợ từ 40-50 triệu. Đây là việc bất đắc dĩ, chúng tôi không muốn nếu cư dân có cam kết về việc đóng phí dịch vụ chúng tôi sẽ mở lại nước. Ngay sau đó đã có những hộ chủ động nộp tiền dịch vụ. Đến nay có khoảng 10 căn đã nộp” - Phó Giám đốc Công ty C’Land cho biết.

“Không nộp phí dịch vụ thì làm sao vận hành”

Chuyện ban quản lý, chủ đầu tư chọn giải pháp mạnh là cắt dịch vụ điện, nước, thang máy không phải là chuyện mới khi đã từng xảy ra ở khá nhiều chung cư.

Như tại chung cư Mon City (Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đầu tháng 7 vừa qua, một số cư dân tại đây cũng phản ánh về tình trạng bị chủ đầu tư cắt nước. Trước đó, một số hộ dân cũng cho hay, họ không nộp phí vì cho rằng mức thu cao so với chất lượng dịch vụ.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư xác nhận họ đã chủ động cho cắt nước của một số hộ. Theo chủ đầu tư dự án này, có dưới 10 hộ bị cắt nước do không nộp phí dịch vụ từ 10 đến 12 tháng.

Những tranh chấp về chung cư tiếp tục căng thẳng trong đó tại không ít chung cư một số cư dân bị cắt nước do nợ phí dịch vụ.

Còn về giá dịch vụ, theo đại diện chủ đầu tư, día dịch vụ đã được nêu rõ trong hợp đồng là 9.000 đồng/m2. Hiện nay, mức phí này đã được điều chỉnh xuống 8.000 đồng/m2. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không đồng ý nên không chịu nộp phí dịch vụ trong thời gian dài.

Tình trạng cư dân không nộp phí dịch vụ từng diễn ra tại rất nhiều chung cư như: Thăng Long Victory (Hoài Đức, Hà Nội); Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội); Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội), Happy Strar Tower (Long Biên, Hà Nội); Gold Mark City….Tại một số chung cư cũng có một số hộ dân bị cắt điện, nước do nợ phí dịch vụ quản lý. Đó là: Chung cư Imperia Garden (Thanh Xuân, Hà Nội); Chung cư 584 (quận Tân Phú) và Hoàng Anh Gia Lai 2 (quận 7) ở TP HCM.

Việc cắt dịch vụ trên khiến nhiều cư dân tại đây phản đối, thậm chí tạo nên làn sóng căng băng rôn tại tòa nhà để phản đối chủ đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), về mặt pháp luật trong thông tư 02 phụ lục mẫu giữa đơn vị dịch vụ và người dân cung cấp dịch vụ là do người dân thỏa thuận.

“Trong hợp đồng nếu trường hợp có thỏa thuận 2 bên vi phạm cam kết thì có quyền tạm ngừng và cần tiến hành đàm phán thỏa thuận. Xét về việc quản lý, đơn vị làm dịch vụ mà người sử dụng không đóng tiền thì làm sao vận hành. Nếu hai bên không thể tự thỏa thuận thì giải quyết bằng luật Dân sự” – ông Ninh nói.

Liên quan đến vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư, trước đó, cử tri TP.HCM cũng đã có kiến nghị gửi tới kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV trong đó nêu lên thực trạng: Hiện nay dù luật đã quy định rõ tại Điểm đ, khoản 1, Điều 39 Quy chế kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD “Trường hợp chủ sở hữu không đóng kinh phí quản lý vận hành theo quy định thì bị xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà ban quản trị nhà chung cư đã ký với đơn vị quản lý vận hành”. Tuy nhiên, thực tế rất khó xử lý đối với việc chủ đầu tư, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ không đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư.

Từ thực trạng trên, cử tri TP.HCM kiến nghị cần có chế tài quy định mức phạt cụ thể để xử lý hành vi này.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 02 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Theo đó, việc thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ giữa các bên, trong đó có trách nhiệm đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư của chủ sở hữu, người sử dụng theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ là một trong các nội dung mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành.

“Trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí này thì đơn vị quản lý vận hành được áp dụng chế tài tạm ngừng cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (do mình cung cấp) hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này. Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan” – Bộ nêu rõ.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/thuc-hu-viec-ho-dan-no-toi-80-trieu-tien-phi-dich-vu-chung-cu-573282.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong16