Thực hư triết lý giáo dục 'khác người' của Công nghệ giáo dục?

Câu chuyện đánh vần bằng 'ô vuông, hình tròn' đang khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, chương trình Công nghệ giáo dục đã có từ lâu. Vậy thực hư triết lý giáo dục cũng như cách dạy Tiếng Việt của Công nghệ giáo dục là như thế nào?

Phải khẳng định rằng, chương trình Công nghệ giáo dục không mới tại Việt Nam. Chương trình này được GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, áp dụng vào thí điểm tại Việt Nam từ năm 1978. Trải qua 40 năm tồn tại, chương trình đã sản sinh ra không ít người tài như GS Ngô Bảo Châu, PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu...

Trong thời gian gần đây, phương pháp giảng dạy Tiếng Việt 1 của chương trình Công nghệ giáo dục bất ngờ gặp những ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng quá phức tạp và vô bổ khi áp dụng cách sử dụng "hình tròn, hình vuông" để dạy cho học sinh lớp 1. Đa phần các ý kiến phản đối tập trung vào hai điểm chính, một là việc thay đổi phương pháp dạy học khiến cho cha mẹ không thể nào kèm cặp con cái học tập tại nhà, thứ 2 đó là chương trình cũ vẫn "chạy tốt" sau bao nhiêu năm, vì sao phải thay đổi?

Nhiều tranh cãi xung quanh phương pháp dạy Tiếng Việt của Công nghệ giáo dục.

Sáng 8.9, GS Hồ Ngọc Đại, chủ biên của chương trình Công nghệ giáo dục "gây bão" đã có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về triết lý giáo dục của chương trình này. Theo đó, ông khẳng định rằng chương trình Công nghệ giáo dục đặt học sinh làm trọng tâm, tất cả những thứ khác đều xoay quanh đối tượng này. Giáo dục cần phải xác định chính xác đối tượng, có như vậy thì mới sáng tạo ra được lý thuyết, công nghệ, phương pháp đúng đắn.

Xoay quanh trung tâm là học sinh, đối tượng chính của Công nghệ giáo dục, chủ biên chương trình Công nghệ giáo dục khẳng định rằng cha mẹ, giáo viên chỉ là những đối tượng phụ nhằm khuyến khích sự phát triển của học sinh. "Triết lý giáo dục của tôi là: Một cá nhân phải trở thành chính nó. Lý thuyết này đưa ra thực tiễn cần có công nghệ, tôi đã có Công nghệ giáo dục. Công nghệ này xây dựng thì rất khó, nhưng sử dụng thì rất dễ" - GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.

GS. Hồ Ngọc Đại - chủ biên chương trình Công nghệ giáo dục. Ảnh: Việt Phương

Nói về chương trình giáo dục truyền thống, GS Đại cho rằng trẻ em là con đẻ của thời đại, khả năng thích nghi đều vượt trội với người lớn. Bố mẹ phải biết "chịu thua", lắng nghe con thì mới dạy được con. Trẻ con luôn có cái lý rất riêng, phải tôn trọng thì mới đồng hành được với chúng.

"Người lớn không nên lấy mình làm mẫu cho trẻ em. Vì vậy, khi đã có một thế hệ mới, một lịch sử mới thì hiển nhiên cần có một nền giáo dục mới dựa trên một cơ sở lý thuyết mới. Cần phải có một nền giáo vận dụng được thành tựu của quá khứ và nền tảng của quá khứ. Nếu không tự làm ra thì sẽ không có nền giáo dục đó, đó là lý do vì sao tôi mở trường thực nghiệm. Đối với tôi, tôi luôn lấy học sinh làm trọng tâm của nền giáo dục. Nền giáo dục cũ cần thầy giảng thật hay thì trò dễ hiểu, nền giáo dục mới cần thầy không cần giảng mà học sinh vẫn tự hiểu được, đó mới là thành tựu giáo dục" - GS Đại bày tỏ.

Dạy cách đánh vần Tiếng Việt qua hình tròn, vuông trong chương trình Công nghệ giáo dục.

Nói về việc dùng hình tròn, vuông để học sinh học tiếng trong Tiếng Việt, GS Hồ Ngọc Đại cho biết có nhiều hiểu nhầm trong vấn đề này. Ông khẳng định Tiếng Việt trong Công nghệ giáo dục không dạy học sinh lớp 1 bài đầu tiên về ý nghĩa của từng từ trong câu mà chỉ muốn nhấn mạnh tới âm tiết trong câu. Nghĩa là làm cho học sinh hiểu được, âm là vật thật, chữ là vật giả, vật thật là thứ cố định, còn chữ là thứ biến động.

"6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng, 8 tuổi nói chuẩn, 9 tuổi nói hay. Nhưng tới học đại học vẫn viết sai, vậy cách dạy Tiếng Việt hiện tại có đúng hay không? Lớp học của Ngô Bảo Châu (khóa 1 trường Thực nghiệm) chẳng phải đã dành cả kỳ 1 lớp 1 để học hình vuông, tròn" - GS Đại nói.

=> Clip GS Hồ Ngọc Đại nói về phương pháp giảng dạy của Công nghệ giáo dục:

Việt Phương

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thuc-hu-triet-ly-giao-duc-khac-nguoi-cua-cong-nghe-giao-duc-911100.html