Thực hư thông tin xe thang PCCC chỉ cứu người từ tầng 8 trở xuống

Sau hàng loạt vụ cháy chung cư trên cả nước, đặc biệt là vụ cháy chung cư Carina, nhiều người đặt câu hỏi về độ chính xác của thông tin xe thang cứu hỏa chỉ cứu được người từ tầng 8 trở xuống đang được lan truyền trên mạng xã hội.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8, TP. HCM) khiến 13 người chết và 28 người bị thương, đang làm dư luận đặc biệt quan tâm.

Sau vụ cháy này, nhiều người đặt câu hỏi về việc cứu hỏa tại các nhà cao tầng, đặc biệt là tại các khu chung cư. Ngoài ra, nhiều người cũng băn khoăn về thông tin xe thang cứu hỏa chỉ cứu được người từ tầng 8 trở xuống.

Để tìm câu trả lời, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội).

Đại tá Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Đàm Duy

Trước tiên, với kinh nghiệm 30 năm làm công tác PCCC của mình, ông khuyên mọi người khi xảy ra cháy trước tiên phải xác định đám cháy ở khu vực nào.

Nếu đám cháy không lan tới khu vực sinh sống thì nên chuẩn bị chăn, khăn mặt ướt, dán băng dính chống cháy để chống khói độc lan vào nhà. Đây là một cách bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và chính ngôi nhà của mình.

Về thông tin xe thang cứu hỏa chỉ cứu được người từ tầng 8 trở xuống, Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói, xe thang tốt nhất hiện nay của lực lượng PCCC Hà Nội cao 52 mét, tức là có thể lên được tầng đến tầng 16. Còn TP.HCM xe thang vươn cao nhất được 72 mét. Chính vì vậy, thông tin chỉ vươn đến tầng 8 là hoàn toàn sai.

“Cháy tại Hà Nội nếu cao hơn tầng 16 thì xe thang không thể tiếp cận được. Ở nước ngoài nhiều tòa nhà xây cao tới hàng trăm mét, không một loại xe thang nào có thể với tới nơi.

Do vậy, nếu sống ở chung cư cao tầng, phải tham gia các lớp tập huấn PCCC để có kĩ năng sinh tồn, thoát nạn cho mình. Phải tự cứu mình trước khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn đến”, vị Đại tá PCCC khuyến nghị.

Về chức năng của xe thang, Đại tá Sơn cho biết, ngoài chức năng cứu người loại xe này còn có nhiệm vụ tổ chức chữa cháy, mỗi xe có thùng chỉ đưa được 2 cảnh sát lên để phun vòi nước.

Ngoài ra, Đại tá cảnh sát PCCC cũng cho biết thêm, chung cư cao tầng là nơi tập trung một số lượng người lớn trên diện tích đất xây dựng tương đối hẹp, lại ở độ cao nên việc thoát người rất khó khăn, khả năng tiếp cận của các phương tiện cứu hỏa, cứu nạn hạn chế. Do đó, nếu xảy ra cháy nổ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn ở nhà thấp tầng.

Thế nhưng, ý thức của người dân còn chưa cao trong công tác PCCC. Cùng với đó, khi xảy ra sự cố cháy, hầu hết người dân hoảng loạn, mất bình tĩnh, không có kinh nghiệm ứng phó. Nhiều hộ dân ở các tòa nhà cao tầng còn thiếu kiến thức tối thiểu để xử lý tình huống trong các vụ cháy.

Ông khuyến cáo, khi xảy cháy, người dân cần bình tĩnh xử lý sự cố. Người phát hiện ra cháy cần nhấn chuông báo động được thiết kế ở mỗi tầng nhà để báo cho đơn vị quản lý tòa nhà, từ đó báo động toàn bộ các hộ dân trong tòa nhà biết để thoát hiểm.

Nếu đám cháy có khói, người dân sử dụng khăn ướt bịt miệng và mũi, tìm cách vượt qua đám khói đến đường thoát hiểm gần nhất. Điều này sẽ hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người nếu cư dân nhà cao tầng được học các kỹ năng chống khói độc, chống ngạt đơn giản như dùng khăn, chăn ướt quấn lên người và tuyệt đối không được thoát hiểm bằng thang máy.

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/thuc-hu-thong-tin-xe-thang-pccc-chi-cuu-nguoi-tu-tang-8-tro-xuong-861261.html