Thực hư thông tin TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long bị 'xóa sổ' vào năm 2050?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức lên tiếng khẳng định thông tin TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long bị xóa sổ vào năm 2050 như công bố của Tổ chức Climate Central (Mỹ), do biến đổi khí hậu là chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan.

Climate Central: Xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới do biến đổi khí hậu

Theo thông tin được đăng tải trên tờ New York Times, ngày 29/10, Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ đã công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, cho thấy số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 so với các dự báo trước đó, đe dọa xóa sổ gần như toàn bộ một số thành phố ven biển lớn trên thế giới.

Theo đó, các tác giả của nghiên cứu đã phát triển cách tính toán độ nâng lên của mặt đất dựa trên dữ liệu vệ tinh, một cách ước tính tiêu chuẩn về tác động của mực nước biển dâng.

Kết quả cho thấy nước biển sẽ dâng cao hơn ở những khu vực lớn và cho rằng các dự báo trước đó đã quá lạc quan.

Do vậy, theo nghiên cứu mới, vào giữa thế kỷ này, khoảng 150 triệu người sẽ sống trong vùng bị ngập dưới nước biển khi triều cường. Đặc biệt, miền Nam Việt Nam có thể gần như biến mất.

Bản đồ đầu tiên cho thấy các dự đoán trước đó về vùng đất bị ngập ở miền Nam vào năm 2050. Tuy nhiên, bản đồ thứ hai dựa trên nghiên cứu mới chỉ ra rằng phần dưới cùng của đất nước sẽ bị chìm dưới nước biển khi triều cường. Kéo theo hệ lụy chính là hơn 20 triệu người Việt Nam, gần 1/4 dân số, sẽ sống trong vùng bị ngập.

Phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của đất nước, theo đó sẽ biến mất. Dự báo không tính đến sự gia tăng dân số trong tương lai hoặc đất bị mất do xói mòn bờ biển.

Hình ảnh giả định được tổ chức Climate Central (Mỹ) công bố. (Đồ họa: New York Times)

Hình ảnh giả định được tổ chức Climate Central (Mỹ) công bố. (Đồ họa: New York Times)

"TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long bị xóa sổ năm 2050" là giả định cực đoan, chưa đủ cơ sở khoa học

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, nhận định trên là chưa có cơ sở. Số liệu địa hình ven biển của ĐBSCL đã không được các nhà khoa học hiệu chỉnh nên chưa phản ánh đúng độ cao thực tế của khu vực, Tiền Phong thông tin.

Ngoài ra, các tác giả đã sử dụng kịch bản nước biển dâng 2m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Vì thế, kết quả đưa ra không thể phân biệt ngập lụt do mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và nguyên nhân ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ). Bên cạnh đó, kịch bản nước biển dâng 2m không được đề xuất trong báo cáo Đánh giá lần thứ năm của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (AR5).

“Đây là một giả định cực đoan”, PGS Hương khẳng định.

Cũng theo bà Hương, trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố năm 2016, kết quả xác định nguy cơ ngập ứng với mực nước dâng 1m vào năm 2100, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TP.HCM, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.

Cụm đảo Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Quần đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập trên cả nước do nước biển dâng.

"Hiện nay, Bộ Tài nguyên - môi trường đang tiến hành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dự kiến, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng từ dữ liệu cập nhật này trong các kịch bản tới", bà Hương thông tin.

Climate Central là tổ chức tin tức phi lợi nhuận, chuyên phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu. Các nhà khoa học và nhà báo khoa học của họ thực hiện nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và các vấn đề năng lượng, sản xuất nội dung đa phương tiện trên trang web của mình và thông qua các đối tác lớn như New York Times, AP, Reuters, NBC, CNN... Tiến sĩ Benjamin Strauss là CEO, chủ tịch của Climate Central.

Lam Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/thuc-hu-thong-tin-tphcm-va-dong-bang-song-cuu-long-bi-xoa-so-vao-nam-2050-91514.html