Thực hư thông tin F-35... 'cháy hàng'

Theo Lockheed Martin, nhu cầu với F-35 trên thế giới ngày càng tăng khiến nhà sản xuất có thể không sản xuất kịp để đáp ứng cho khách hàng.

Cháy hàng?

Hiện nay, nhà sản xuất F-35 Lockheed Martin đang phối hợp với Lầu Năm Góc sửa chữa các trục trặc về phần mềm và những thách thức kỹ thuật đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

"Những khiếm khuyết nhỏ còn lại trên máy bay sẽ được chúng tôi khắc phục hoàn toàn trong thời gian tới để mang đến cho khách hàng những chiếc F-35 hoạt động đúng với sức mạnh và khả năng như thiết kế", nhà sản xuất cho biết.

Tiêm kích F-35.

Tiêm kích F-35.

Lợi nhuận trong tháng 9 của Lockheed Martin đã tăng lên 1,6 tỷ USD so với 1,4 tỷ USD của năm ngoái. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu đạt con số 5,7 USD so với 5,1 USD cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 5 USD của các nhà phân tích.

Bên cạnh việc hưởng lợi từ chính sách tăng chi tiêu quốc phòng tăng lên của Tổng thống Mỹ thì nhu cầu và đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới đối với tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II đã đóng góp rất lớn vào con số tăng trưởng của Lockheed Martin.

Bên cạnh nhu cầu thay thế tiêm kích F-16 Fighting Falcon sẽ lạc hậu trong vòng một thập kỷ tới thì F-35 Lightning II còn được nhiều quốc gia lần đầu tiên lựa chọn cho vai trò tiêm kích chủ lực của mình, bao gồm cả các quốc gia từng thuộc khối hiệp ước Warsaw - đồng minh của Liên Xô.

"Với các đơn hàng lớn đang khiến chúng tôi đứng trước nguy cơ không kịp sản xuất để cung cấp cho khách hàng thân thiết", Lockheed Martin cho biết.

Nói về lý do F-35 'cháy hàng' dù vẫn còn khá nhiều lỗi, chuyên gia quân sự Mỹ Trevor Filseth cho rằng, chiến đấu cơ tàng hình này vẫn đầy uy lực, sức mạnh và nó vẫn chứng minh được là dòng chiến đấu cơ số 1 thế giới hiện nay.

Vị chuyên gia này cho rằng, kể từ khi ra đời, F-35 đã trải qua nhiều đợt nâng cấp phần mềm và mỗi đợt nâng cấp lại giúp tiêm kích này sở hữu những khả năng mới. Nhưng do một số lỗi kỹ thuật trong thời gian gần đây, F-35 có thể bắn chệch hướng tên lửa AIM-9X hoặc một số loại vũ khí khác.

Với phần mềm Block IV hiện đại, trong vài năm tới, tiêm kích F-35 có thể thả bom thông minh Stormbreaker (còn được biết với tên gọi bom đường kính nhỏ II) do tập đoàn quốc phòng Raytheon chế tạo, hiện đang được sử dụng cho tiêm kích F-15E.

Điểm nhấn tạo nên sự lợi hại của Stormbreaker chính là công nghệ dò tìm 3 chế độ. Với công nghệ này, Stormbreaker sẽ được dẫn đường bằng radar bước sóng milimet, hình ảnh hồng ngoại và laser bán chủ động.

Theo tập đoàn Raytheon, chế độ dẫn đường bằng radar bước sóng milimet sẽ giúp Stormbreaker hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt chẳng hạn như sương mù, mưa, tuyết hay vượt các rào cản che khuất mục tiêu.

Bên cạnh đó, nhờ sở hữu công nghệ liên kết dữ liệu hai chiều, Stormbreaker có thể thay đổi hướng bay hoặc duy trì quỹ đạo hướng tới một mục tiêu đang di chuyển nằm cách xa 40 hải lý.

Ngoài ra, F-35 cũng được tích hợp Hệ thống lái tự động tránh va chạm (Auto-GCAS), được thiết kế để giúp phi công bảo toàn tính mạng bằng cách ngăn chặn một vụ va chạm có thể xảy ra trên mặt đất. Công nghệ Auto-GCAS đã được tích hợp trên các chiến đấu cơ F-16 và được đánh giá hoạt động khá tốt.

Ngoài những khiếm khuyết về phần cứng và phần mềm, chương trình phát triển F-35 đang đối mặt với sự thiếu hụt ngân sách 10 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến đến năm 2025.

Chính quyền tổng thống Trump dự chi 78 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, mua sắm và bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng cho F-35 trong giai đoạn này. Nhưng đơn vị phân tích chi phí của Lầu Năm Góc ước tính, chương trình sẽ cần tới 88 tỷ USD.

Bất chấp những khiếm khuyết và hạn chế nói trên, chương trình F-35 với tổng giá trị 398 tỷ USD vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội Mỹ và các khách hàng ở nước ngoài.

Tính đến thời điểm hiện tại Lockheed Martin đã chuyển giao hoặc đang trong quá trình chuyển giao 970 chiếc F-35 trên tổng số 3.200 chiếc được đặt hàng.

Bị hắt hủi

Mặc dù nhà sản xuất Lockheed Martin đầy tự tin nói về khả năng 'cháy hàng" của F-35 nhưng trên thực tế, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nước thì hủy mua F-35, nước thì cắt giảm số lượng.

Theo bản kế hoạch mua sắm máy bay và tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Anh của Bộ Quốc phòng nước này cho biết: "Thay vì kế hoạch mua thêm 138 chiếc F-35B như ban đầu, Anh sẽ chỉ mua 48 chiếc để trang bị cho những hàng không mẫu hạm đang đóng".

Lý do của việc cắt giảm số lượng mua mới F-35B được phía Anh đưa ra là để ưu tiên cho tiêm kích tàng hình nội địa Tempest (Bão táp), bất chấp việc nước này đang là đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu. Quyết định này được giới chuyên gia cho rằng Anh đang noi theo Đức và Pháp trong chương trình F-35.

Trước đó, Lockheed Martin đã phải hoàn trả 800 triệu USD tiền đặt cọc của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ đơn phương huy hợp đồng 100 chiếc F-35 với tổng giá trị 12 tỷ USD với Ankara. Câu chuyện có vẻ đang trở nên nghiêm trọng hơn khi các đồng minh thân cận của Mỹ trong NATO bắt đầu bỏ rơi dòng chiến đấu cơ tàng hình này.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Italy, Elisabetta Trenta cũng thông báo đang tính đến khả năng giảm số lượng đặt hàng tiêm kích F-35 của Mỹ. Cho dù quyết định như vậy sẽ kéo theo một số thiệt hại kinh tế cho Italy nhưng bà bộ trưởng cho rằng giảm số lượng mua hoặc hủy hợp đồng sẽ bớt cho Italy một gánh nặng tài chính đáng kể để có thể củng cố nền kinh tế mong manh của đất nước.

Với tuyên bố của Italy, Lockheed Martin có nguy cơ không chỉ mất một đơn hàng trị giá nhiều tỷ USD mà còn mất cả nhà máy duy nhất sản xuất máy bay F-35 của hãng ở nước ngoài trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.

Tại nhà máy của hãng FACO ở Cameri (Tây-Bắc Italy), đã đưa vào hoạt động một dây chuyền lắp ráp máy bay F-35 cho Italy, Anh và Hà Lan. Tất nhiên, theo các nhà phân tích, Mỹ có nhiều cách gây sức ép với Italy để cứu vãn hợp đồng này nhưng sẽ bị chậm rất nhiều mới có thể chuyển giao F-35 cho các nước khác ở châu Âu.

Chuyên gia Alexei Jazbiev cho rằng, sau Anh, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ còn 2 nước EU có khả năng chi tiền mua F-35: Bỉ và Thụy Sỹ. Riêng Thụy Sỹ đã hoãn mua. Về phần Bỉ, tình hình còn phức tạp hơn.

Nước này muốn mua F-35 với điều kiện cũng được tham gia sản xuất nó, điều mà cho đến nay Mỹ chưa thể đáp ứng. Ngoài ra, Bỉ thường theo gương các láng giềng Đức và Pháp trong lĩnh vực phòng thủ.

Trong khi đó, hai nước giầu có Đức và Pháp tuyên bố ngừng hẳn việc mua F-35 sau khi tuyên bố sẽ hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 6. Dự án Hệ thống chiến đấu đường không (FCAS) này sẽ thay thế những chiếc Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale hiện có.

Lực lượng vũ trang Mỹ là khách hàng chủ yếu của F-35. Tước đây Anh là đối tác mức 1; Italy và Hà Lan là đối tác mức 2; các đối tác mức 3 là Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, Na Uy và Đan Mạch; còn Israel và Singapore là các nước Tham gia hợp tác an ninh (SCP).

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/thuc-hu-thong-tin-f-35-chay-hang-3433881/