Thực hư thay đổi chiến thuật duy nhất giúp lật ngược quan hệ 'nguy hiểm' Nga, phương Tây?

Các chuyên gia Anh đánh giá về cơ hội và cách thức để cải thiện mối quan hệ căng thẳng hiện tại giữa Nga với Anh, Mỹ.

Theo ông Kier Giles, một chuyên gia hàng đầu về địa chính trị Nga tại tổ chức Chatham House, London, mối quan hệ nguy hiểm giữa Nga và phương Tây có thể sẽ trở nên ổn định hơn rất nhiều nếu Mỹ và Anh chịu thay đổi chỉ một điều.

Cụ thể hơn, chuyên gia này cho rằng phương Tây "đang không ngừng cố gắng điều chỉnh lại quan hệ với Nga" – và điều đó sẽ chỉ khiến tình hình trở nên dễ đổ vỡ hơn. Chia sẻ với trang Express.co.uk, chuyên gia người Anh chỉ ra, phương Tây mong muốn bắt đầu tất cả lại từ đầu một lần nữa một cách "sạch sẽ", đồng thời hy vọng lần này mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bài học cho tất cả những lần nỗ lực trước đó, chính là kết quả thu được vẫn chỉ là con số không.

Nga và phương Tây có một mối quan hệ nguy hiểm vì "thiếu minh bạch" (ảnh: getty)

Nga và phương Tây có một mối quan hệ nguy hiểm vì "thiếu minh bạch" (ảnh: getty)

"Điều có thể khiến mọi thứ trở nên ổn định hơn nhiều và cũng giảm nguy cơ, thay vì khuyến khích Nga nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi tất cả nhờ vào các hành động thù địch của mình, rồi sau đó sẽ được tha thứ và mọi người có thể quay trở lại như bình thường…", ông Giles phân tích. "Chúng ta cần phải công nhận, trong thực tế, có một sự đối lập và xung đột về những gì Nga và phương Tây thực sự mong muốn mà không thể được giải quyết một cách dễ dàng".

Do đó, ông nhấn mạnh, "chung sống cùng với những khác biệt chứ không phải giả vờ rằng chúng không tồn tại – sẽ là một nền tàng vững vàng và ổn định hơn nhiều cho mối quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga".

Đồng nghiệp của ông Giles, chuyên gia về Nga James Nixey cũng nhắc lại, cho dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do những lệnh cấm vận của châu Âu và Mỹ liên quan tới quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014, Nga không nghi ngờ gì, vẫn luôn là một trong những cường quốc trên thế giới, do đó, xứng đáng nhận được "sự chú ý đặc biệt".

Xe tăng Nga diễu hành trên đường phố Sevastopol sau khi sáp nhập Crimea năm 2014 (ảnh: getty)

Đề cập tới thái độ của Moscow đối với Crimea và vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Salisbury, Anh hơn một năm trước, ông Nixey khẳng định, quốc gia nằm trên hai lục địa Âu – Á luôn là "một trong năm" cường quốc thế giới.

"Sự thật là, bạn không thể tranh cãi về điều đó – Nga là một nước lớn trong mọi lĩnh vực", ông Nixey khẳng định."Trừ khi trong trường hợp bạn chỉ nói về khía cạnh kinh tế, thì ngay cả trong trường hợp này, Nga xếp hạng 13 trên thế giới về GDP và thứ 5 về PPP".

Chuyên gia của Chatham House cũng đưa ra một vài con số ấn tượng khác. Nga hiện sở hữu 48% số lượng vũ khí hạt nhân toàn cầu, có diện tích rộng nhất, là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, có biên giới tiếp giáp với nhiều quốc gia và lãnh thổ nhiều thứ hai trên thế giới…

"Ngay cả khi Nga là một cường quốc đang suy giảm, thì họ trước hết vẫn là một cường quốc", ông Nixey nói. "Và họ vẫn muốn coi mình là một cường quốc vĩ đại".

Ngay cả khi Nga là một cường quốc đang suy giảm, thì họ trước hết vẫn là một cường quốc. Và họ vẫn muốn coi mình là một cường quốc vĩ đại

James Nixey, Chatham House

Hồi đầu tuần, hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Thượng đỉnh G20 2019 tại Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy quá trình đối thoại giữa hai nước.

Cuộc gặp kéo dài gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ ngày 28/6 là lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin kể từ thượng đỉnh Mỹ - Nga lần một ở Helsinki một năm trước.

Không có nhiều chi tiết về nội dung cuộc gặp được công bố. Theo phát ngôn viên Peskov, ông Trump thể hiện sự sẵn lòng bắt đầu đối thoại với Moscow về ổn định chiến lược và giải giáp vũ trang. Hai Tổng thống cũng giành thời gian thảo luận về vấn đề các thủy thủ Ukraine bị Nga giam giữ từ cuối năm 2018.

"Tổng thống Mỹ rõ ràng đã cho thấy dự định tăng cường đối thoại. Về phần Tổng thống Putin, ông từ lâu đã nhắc tới mong muốn đi theo con đường bình thường hóa quan hệ", ông Peskov nói với Interfax.

Cũng theo phát ngôn viên, ông Trump có vẻ không hài lòng với quy mô thương mại giữa Mỹ và Nga. Ngay tại cuộc gặp gỡ, ông đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin làm việc với người đồng cấp Nga là Bộ trưởng Anton Siluanov về các thách thức trong thương mại song phương Mỹ-Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cho hay, vấn đề các thủy thủ Ukraine bị Nga giam giữ đã chiếm một thời lượng lớn trong cuộc gặp gỡ giữa ông và nhà lãnh đạo Mỹ tại thượng đỉnh G-20; tuy vậy, vẫn chưa có một quyết định mới nào liên quan tới số phận các thủy thủ được đưa ra.

Ngày 25/11/2018, hải quân Nga đã bắt giữ ba tàu Ukraine và cùng với thủy thủ đoàn tại Eo biển Kerch kết nối giữa Biển Đen và Biển Azov.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thuc-hu-thay-doi-chien-thuat-duy-nhat-giup-lat-nguoc-quan-he-nguy-hiem-nga-phuong-tay-20190706103006932.htm