'Thực hư' siêu tàu bay quân sự Nga đưa S-300 tới Syria

Nga được cho là đã sử dụng máy bay quân sự lớn nhất thế giới để vận chuyển hệ thống tên lửa S-300 tới Syria.

Theo Thời báo Israel, tuần trước Nga đã bắt đầu vận chuyển hệ thống tên lửa chống máy bay hiện đại S-300 tới Syria bằng “siêu máy bay” Antonov An-124 Ruslan.

Antonov An-124 Ruslan hay còn có tên là Condor (Kền kền), hiện là máy bay vận chuyển quân sự lớn nhất, đồng thời cũng là máy bay lớn thứ hai trên thế giới – chỉ đứng sau máy bay Antonov An-225 Mriya. Giống như Ruslan, Mriya cũng do Nga sản xuất, đồng thời là máy bay nặng nhất và có sải cảnh lớn nhất đang được sử dụng. Với trọng lượng lên tới 314 tấn, và sải cánh dài 88,4 mét – cho tới nay chỉ có duy nhất một chiếc Mriya được sản xuất.

Trong khi đó Antonov An-124 Ruslan nặng 192 tấn và sải cánh dài 73,3 mét – thường được Không lực Nga và các hãng vận chuyển hàng không sử dụng phổ biến hơn. Theo trang web Ynet, trong những ngày qua, nhiều người đã quan sát được hình ảnh của Ruslan trên tuyến bay Nga và Syria.

Bất chấp sự phản đối từ phía Israel, Moscow cho biết, quá trình vận chuyển S-300 tới Syria đã bắt đầu vào thứ Sáu tuần trước (28/9). Ynet đưa tin, chiếc Ruslan đầu tiên được nhìn thấy hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeimim gần thành phố Latakia (Syria) tối ngày 27/9. Trong một cuộc họp báo tại Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, hệ thống S-300 sẽ “đảm bảo sự an toàn và an ninh” cho quân nhân Nga tại Syria.

Quyết định của Nga đã làm dấy lên nhiều quan ngại tại Israel. Hôm thứ Bảy (29/9) một quan chức cấp cao Israel nói, việc Syria sở hữu S-300 là một thách thức cho Israel. Tuy nhiên, Israel đang và sẽ tìm ra các biện pháp để ngăn cản việc này trở thành một mối đe dọa thực sự cho an ninh đất nước.

“S-300 là một thách thức phức tạp cho Israel. Chúng tôi đang đối phó với quyết định của Nga theo các cách khác nhau, mà không cần phải ngăn cản Nga đưa nó tới Syria”, quan chức trên khẳng định. Ngoài ra ông cũng bổ sung, Israel tin tưởng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu được rằng, trong khi Moscow “đưa ra động thái thì sân chơi vẫn còn rất rộng rãi”. Đây được cho là một ám chỉ tới việc Israel có quyền tự bảo vệ mình, đồng thời có được sự ủng hộ từ phía Mỹ.

Phát biểu cuối tuần qua, Thủ tướng Israel chỉ trích hành động của Nga là “vô trách nhiệm”, nhưng ông cũng nhấn mạnh, Israel vẫn cam kết “tránh xung đột” với Moscow trong các chiến dịch quân sự tại khu vực.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN tại New York sau cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quôcs, Thủ tướng Netanyahu tiết lộ, ông nói với Tổng thống Putin như sau: “Hãy tiếp tục nỗ lực tránh xung đột, nhưng cùng lúc tôi cũng nói rõ, Israel sẽ và vẫn tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ mình”.

Theo ông Netanyahu, cả Nga và Israel đều không muốn có đụng độ quân sự tại Syria – khu vực hiện đang trở nên “quá đông đúc trong một không gian chật hẹp” với sự hiện diện của nhiều thế lực quân sự và các nhóm vũ trang.

“Giữa những hỗn độn này trong suốt ba năm qua, chúng tôi đã tránh được các cuộc đụng độ giữa quân đội Nga và Israel,” ông Netanyahu nói. “Tôi cho rằng, chúng tôi và Nga đều có mong muốn tranh đối mặt với nhau”.

Không chỉ Israel, Mỹ cũng phản đối quyết định đưa S-300 tới Syria. Giới quan sát Israel nhận định, động thái này sẽ là phức tạp thêm những nỗ lực của Israel nhằm ngăn chặn Iran mở rộng hiện diện quân sự tại Syria trong khi vận chuyển vũ khí từ Syria cho lực lượng Hezbollah.

Một chiếc máy bay Antonov An-124 Ruslan của Nga

Israe kiên quyết tiếp tục các chiến dịch quân sự của mình

Trong những năm gần đây, Israel đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các mục tiêu Iran và Syria tại Syria. Hệ thống phòng không trước đây của Syria hầu như không thể ngăn chặn được các phi cơ chiến đấu của Israel. Hồi tháng 2, một máy bay F-16 của Israel đã bị bắn hạ, tuy nhiên, quân đội nước này cho biết, đó là một lỗi kỹ thuật xuất phát từ phi công Israel.

Israel quyết tâm ngăn cản Hezbollah và các nhóm vũ trang thân Iran tại Syria sở hữu vũ khí tối tân có thể đe dọa tới an ninh quốc gia Do thái. Cùng lúc, chính quyền Thủ tướng Netanyahu cũng muốn hạn chế tối đa khả năng Iran coi Syria là một bàn đạp để “tấn công” Israel.

Trong khi đó, một mặt cùng Iran ủng hộ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assa, mặt khác Nga và Israel đã duy trì một đường dây nóng, cho phép Israel tiến hành các cuộc tấn công có báo trước.

Tuy nhiên, sau vụ việc máy bay Nga bị tình cờ bắn hạ trong một vụ không kích của Israel tại Syria hôm 17/9, tương lai của chương trình trên hiện vẫn chưa rõ.

Moscow cáo buộc Israel đã sử dụng máy bay Nga Il-20 làm lá chắn; còn Israel đổ lỗi cho hệ thống phòng không yếu kém của Syria chính là nguyên nhân khiến 15 quân nhân thiệt mạng sau khi máy bay bị rơi.

Israel cũng khẳng định, họ đã thông báo với Nga 12 phút trước khi tiến hành tấn công, trong khi Nga cho rằng, họ chỉ nhận được cảnh báo trước một phút.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman từng “xoa dịu” những e ngại của Israel liên quan tới kế hoạch của Nga trang bị S-300 cho Syria. “Một điều cần phải làm rõ là: nếu ai đó bắn máy bay của Israel, chúng tôi sẽ phá hủy họ. Cho dù là S-300 hay S-700 đi nữa”, ông Lieberman tuyên bố.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thuc-hu-sieu-tau-bay-quan-su-nga-dua-s300-toi-syria-367624.html