Thực hư quanh vụ Iran phá mạng lưới gián điệp CIA

Mới đây, truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Bộ Tình báo nước này tuyên bố đã triệt phá một ổ gián điệp CIA và bắt giữ 17 nghi can. Tuy nhiên, thông tin này đã bị phía Mỹ bác bỏ. Vậy thực hư xung quanh vụ việc này là như thế nào?

Một quan chức của Bộ Tình báo Iran cho biết, một số đối tượng trong số 17 nghi can bị bắt giữ đã bị kết án tử hình. Trong tuyên bố của mình, Bộ Tình báo Iran nêu rõ các nghi can trên làm việc tại những cơ sở tư nhân trong lĩnh vực kinh tế, hạt nhân, cơ sở hạ tầng, quân đội và mạng... nơi những đối tượng này thu thập thông tin mật. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trường Mike Pompeo đều đã bác bỏ thông tin do Iran đưa ra.

Theo mạng tin abc.net.au, nếu Iran đang nói sự thật về việc bắt giữ 17 điệp viên CIA, nhiều đơn vị tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, sẽ kích hoạt chế độ kiểm soát thiệt hại trong những tháng tới. Về cơ bản, CIA tuyển dụng “các tài sản” nước ngoài thông qua hoạt động của các sĩ quan có vỏ bọc là viên chức - họ đóng giả những nhà ngoại giao và tìm cách kết thân với những người dân địa phương trên khắp thế giới. Những sĩ quan này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao. Họ có thể bị trục xuất khỏi nước sở tại, nhưng thường được bảo vệ khỏi bị truy tố nếu bị bắt vì tội hoạt động gián điệp.

Tuy nhiên, kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ đã không có sự hiện diện ngoại giao và không có sĩ quan tình báo mật tại Iran. Điều này khiến cho CIA khó thu thập thông tin chính xác từ các nguồn địa phương.

Một số nghi can bị Iran tuyên bố là gián điệp CIA. (Ảnh tư liệu)

Một số nghi can bị Iran tuyên bố là gián điệp CIA. (Ảnh tư liệu)

Mỹ tuyển điệp viên ở Iran như thế nào?

Nhu cầu của CIA đối với các “tài sản” đáng tin cậy ở bên trong Iran đã tăng mạnh trong 40 năm qua. Và bởi vì ưu tiên nhiệm vụ của CIA là phục vụ Nhà Trắng, cơ quan này phải tìm mọi cách và thậm chí “liều lĩnh” để có được các nguồn tin am hiểu ở nước Cộng hòa Hồi giáo này. Do không có đại sứ quán và quyền miễn trừ ngoại giao, các sĩ quan nghiệp vụ của CIA hoạt động trên đất Iran là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, CIA đã tuyển dụng gián điệp từ giới thượng lưu Iran từng được đào tạo ở phương Tây hoặc có điều kiện ra nước ngoài du lịch.

Hầu hết 17 cá nhân bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho CIA dường như đã bị tây hóa. Họ có thể là các học giả và các chuyên gia kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực quốc phòng của Iran. Tuy nhiên, những chuyên gia như vậy sẽ bị các cơ quan an ninh Iran giám sát chặt chẽ khi họ đi ra nước ngoài công tác cũng như ở Iran. Vì vậy, các tân binh CIA nhiều khả năng có những công việc ngoại vi vốn cũng quan trọng trong các lĩnh vực năng lượng và quân sự của Iran.

Vì sao người Iran làm gián điệp?

Những mô tả trên các phương tiện truyền thông Iran về cách những cá nhân này được tuyển dụng và huấn luyện dường như có tính thuyết phục nhưng không rõ lý do tại sao họ làm việc đó. Những người làm gián điệp chống lại đất nước họ với đủ loại lý do, trong đó hai lý do cơ bản nhất là vật chất và hệ tư tưởng. Nhưng có nhiều người hoạt động gián điệp vì họ muốn chuyển đến một quốc gia giàu có hoặc nhập quốc tịch nước ngoài, cái tôi quá cao, nhu cầu trả thù, giúp đỡ y tế và trong một số trường hợp, thậm chí là vì tình yêu.

Chưa thể biết động cơ nào khiến người Iran làm gián điệp cho CIA hoặc các cơ quan tình báo nước ngoài khác chống lại đất nước họ. Trong vụ việc lần này, các quan chức Tehran cho biết tất cả các gián điệp đều là công dân Iran và bị CIA dụ dỗ với lời hứa sẽ cấp thị thực việc làm cho họ đến Mỹ. Những công dân Iran khác cũng đã được cấp thị thực và được cho là bị gây sức ép buộc họ phải làm gián điệp cho Mỹ để được gia hạn thị thực.

Một bộ phim tài liệu được phát sóng trên truyền hình quốc gia Iran tuyên bố rằng 17 điệp viên này không biết nhau, nhưng tất cả bọn họ được huấn luyện độc lập về cách hoạt động bí mật. Nội dung huấn luyện bao gồm thiết lập và sử dụng hệ thống thông tin liên lạc bí mật cũng như thực hiện các hộp thư chết mà không bị phát hiện.

Theo các quan chức Iran, hộp thư chết là sử dụng các hộp được chế tạo giống với đá, được đặt ở vùng nông thôn Iran hoặc nơi nào đó ở Trung Đông. Một số gián điệp tiếp xúc với người huấn luyện họ khi tham gia các hội nghị khoa học ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Đây là những biện pháp cơ bản trong hoạt động nghiệp vụ tình báo.

Mối lo ngại lớn với CIA

Theo abc.net.au, nhiều khả năng Iran ban đầu phát hiện một nhóm nhỏ điệp viên CIA - có thể không quá hai người - và sau đó họ mở rộng điều tra phản gián đối với đồng nghiệp, bạn bè và người thân của hai đối tượng này. Tại thời điểm đó, nhà chức trách Iran có thể sử dụng các đặc quyền điều tra của họ để “dọn sạch nhà”. Họ nhằm mục tiêu vào nhân viên của các cơ quan hoặc Cty có thể tiếp cận những thông tin nhạy cảm được coi là quá thân phương Tây, ví dụ có lịch sử chỉ trích công khai chế độ Iran. Đó có thể là cách các cơ quan an ninh Iran điều tra và phát hiện 17 gián điệp.

Điều đáng lo ngại hơn đối với CIA là Iran dường như đã xác định được một số nhân viên CIA phụ trách tuyển chọn và sử dụng các tài sản nước ngoài. Đây là những nhân viên ngoại giao đang làm việc ở các nước như Áo, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Zimbabwe. Nhưng Iran tuyên bố rằng các nhà ngoại giao này trên thực tế là nhân viên CIA và đã công khai tên tuổi và hình ảnh của họ. Ngoài ra, CIA sẽ phải đánh giá lại quy trình đảm bảo an toàn cho các "tài sản" và đầu mối liên lạc ở nước ngoài của những sĩ quan này trên cơ sở từng trường hợp. Nhiều kế hoạch hoạt động tình báo con người- một số trong số đó đã được thực hiện nhiều năm- sẽ phải dừng lại hoặc chấm dứt hoàn toàn.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hu-quanh-vu-iran-pha-mang-luoi-gian-diep-cia-156966.html