'Thực hư' Nga không muốn kiềm chế Iran tại Syria

Một câu hỏi lớn cho tương lai Syria là liệu Nga có thực sự muốn hạn chế ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Iran tại đây hay không?

Trong khi Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục củng cố quyền lực sau những giằng co lãnh thổ với phe đối lập tại Syria, một số chuyên gia tin rằng, các lực lượng do Iran hậu thuẫn đã bắt đầu hành động vượt ra ngoài ý định ban đầu. Và điều này có thể dẫn tới những động thái mới từ cả chính quyền Assad và Moscow, nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran.

“Đóng góp của Iran vào việc đánh bại chiến dịch lật đổ ông Assad là không thể bỏ qua, nhưng nhìn chung, họ đã đạt được mục tiêu đó, và giờ đây họ đang ở trong một tình huống mới. Ở đó, sự hiện diện của Iran ở một mức độ nào khiến mọi việc phức tạp cho cả người Nga và Damascus. Đấy còn chưa kể đến các lo ngại của Israel và Mỹ,” Geoffrey Aronson, một nhà phân tích của Viện Trung Đông chia sẻ.

Aronson cho biết, tất cả các bên liên quan đều hiểu được những quy định không viết ra của “trò chơi quyền lực”; tuy nhiên những quy định này tỏ ra khá “chông chênh” và khuyến khích các nỗ lực từ phía Iran nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Syria.

Việc Iran đang ngày càng có tiếng nói đã đem lại lo lắng cho Israel – quốc gia có cùng biên giới với Syria và không muốn Iran phá vỡ tình thế hiện tại trong khu vực. Tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có chuyến công du tới Moscow để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về ổn định vùng và an ninh quốc gia Israel, đặc biệt là khu vực dọc theo biên giới Israel – Syria.

Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran, cũng có mặt tại Nga tuần trước, đem theo thông điệp của ông Khamenei gửi tới người đứng đầu Điện Kremlin. Sau đó, ông Velayati nói, Iran trân trọng mối quan hệ của nước này với Nga, và sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow trong vấn đề Syria.

Ông Ali Akbar Velayati và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thượng định Helsinki

Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh được mong chờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Putin tại Helsinki (Phần Lan). Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 16/7, ông Trump tuyên bố, Mỹ sẽ không để Iran lợi dụng sự thành công của chiến dịch chống lại nhóm IS trong khu vực.

“Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng áp lực lên Iran để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của nước này, và dừng chiến dịch bạo lực của họ trong toàn khu vực và Trung Đông”, ông Trump nói.

Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ đã bày tỏ sự lạc quan rằng, Nga sẽ giúp đỡ Mỹ “kiểm soát” Iran tại Syria. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Quốc hội, ông sẽ “hoan nghênh” nếu Nga có thể đưa Iran ra khỏi Syria.

“Chính quyền Mỹ đã thay đổi trọng tâm từ việc Assad phải rời bỏ quyền lực sang Iran phải ra đi, và đây là lập trường chủ chốt của Washington về Syria,” bà Hanin Ghaddar, một chuyên gia của Viện Washington về chính sách Cận Đông, nhận định.

Nga cho rằng, đòi hỏi không hợp tình hợp lý

Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng, mong chờ Nga gia tăng áp lực lên Iran là một đòi hỏi không hợp lý. Tuần trước, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin đã phủ nhận những tin tức của truyền thông rằng, Nga có thể sẽ áp đặt sức ép để Iran rời Syria.

“Tin tức về việc hai quốc gia đang thảo luận về một quốc gia thứ ba, và đưa ra quyết định cho nó – là vô cùng không thực tế”, Peskov nói.

Bà Ghaddar tin tưởng, các vấn đề thực sự là liệu Moscow có muốn hạn chế ảnh hưởng của Iran tại Syria.

“Nga vẫn cần Iran tại Syria bởi vì người Nga không kiểm soát vùng đất như cách người Iran làm, và đây là một yếu tố quyền lực mà người Iran đang sử dụng”, ông Ghaddar nói.

Ông cũng cho biết, lợi ích của Nga và Iran có thể sẽ trùng hợp ở một vài điểm, tuy nhiên, về cơ bản vẫn là khác biệt. Theo bà, Nga “đầu tư” vào thể chế quốc gia và quyền lực Tổng thống của Syria, trong khi Iran đang tiến hành chiến lược quen thuộc là thiết lập một cơ chế song song như Hezbollah ở Lebanon.

“Tại Syria, họ hiểu được khi các cơ chế song song bắt đầu ảnh hưởng tới thể chế quốc gia, đây là giới hạn đỏ cho Nga,” bà Ghaddar chỉ ra.

Tổng thống Bashar al-Assad

Một số quốc gia trong khu vực cũng đã nhận ra rằng, Tổng thống Assad có thể sẽ còn nắm giữ quyền lực rất lâu khi chính quyền của ông đang giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, sau một loạt chiến dịch quân sự thành công với sự trợ giúp từ cả Nga và các lực lượng được Iran “chống lưng”.

Tuần trước, Thủ tướng Israel tuyên bố, nước này không có xung đột lợi ích với chính quyền Assad trong việc thi hành quyền lực và ổn định Syria.

“Điều khiến chúng tôi băn khoăn là IS và Hezbollah – và điều này vẫn chưa thay đổi. Trọng tâm của vấn đề là bảo tồn quyền tự do hành động của chúng tôi đối phó với bất kỳ ai chống lại chúng tôi. Thứ hai, là việc đưa Iran ra khỏi lãnh thổ Syria”, ông Netanyahu phát biểu tại Moscow.

Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang sau khi Israel cáo buộc Iran phóng tên lửa về phía cao nguyên Golan – hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Israel. Điều này đã dẫn tới việc Israel phát động không kích trả đũa.

Trong những tháng vừa qua, máy bay Israel đã nhằm vào một số mục tiêu Iran, chủ yếu là căn cứ không quân T4 tại tỉnh Homs ở miền trung Syria. Nơi đây được cho là điểm đóng quân cho một đơn vị Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/thuc-hu-nga-khong-muon-kiem-che-iran-tai-syria-350979.html