Thực hư khả năng tên lửa Đài Loan tấn công phủ đầu Trung Quốc

Điều có thể khẳng định là Quân đội Đài Loan hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa vượt qua eo biển Đài Loan, và mục tiêu của đợt tấn công này sẽ là các trung tâm kinh tế lớn nhất ở vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Theo hình ảnh vệ tinh được trang quân sự Kanwa Defense Review của Canada đăng tải trên Facebook cho thấy, ngay trong đầu năm nay Quân đội Đài Loan đã âm thầm di chuyển các hệ thống phóng di động mang theo các tên lửa hành trình Hsiung Feng IIE đến một căn cứ quân sự ở thành phố Đào Viên, cách Đài Bắc 50 km về phía tây. Và từ Đào Viên các tên lửa Hsiung Feng IIE của Đài Loan hoàn toàn có đủ tầm vươn tơi mọi thành phố kinh tế trọng điểm ở Đông Bắc Trung Quốc. Nguồn ảnh: Kanwa Defense Review.

Có thể thông tin này đối với giới chức quân sự Bắc Kinh không phải là mới nhưng xét trên phương diện truyền thông quốc tế nó có tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển bền vững mà Trung Quốc luôn muốn hướng đến, và ở trong kế hoạch này không thể có chỗ cho các tên lửa Đài Loan đang ngày đêm hướng về các trung tâm kinh tế như Hong Kong, Thượng Hải và một số tỉnh như Quảng Đông và Chiết Giang. Trong ảnh là tên lửa hành trình Hsiung Feng IIE do Đài Loan tự phát triển. Nguồn ảnh: Kanwa Defense Review.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, với tầm bắn từ 1.000 – 1.500km với khả năng tấn công chính xác các mục tiêu cố định có sai số trên dưới 10m, Hsiung Feng IIE sẽ là đòn đánh chí tử của Đài Bắc vào các mục tiêu kinh tế quan trọng đối với Bắc Kinh trong trường hợp căng thẳng giữa đôi bờ eo biển Đài Loan leo thang vượt ngoài tầm kiểm soát. Nguồn ảnh: Asia Times.

Theo Andrei Chang - Tổng biên tập tờ Kanwa Defense Review nhận định. “Dựa theo phạm vi tầm bắn, toàn bộ các lò phản ứng điện hạt nhân, cơ sở trữ dầu chiến lược của Trung Quốc nằm gần thành phố Chu San thuộc tỉnh Chiết Giang và tuyến đường sắt Bắc Kinh – bán đảo Cửu Long cùng nhiều tuyến đường sắt cao tốc và đường hầm sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công”. Nguồn ảnh: CODEC Prime.

Nếu Bắc Kinh vẫn giữ thái độ im lặng về thông tin trên thì ngược lại phía Đài Bắc lại tỏ ra cứng rắn khi tuyên bố “Đài Loan đủ tự tin và chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc xâm lược”, gián tiếp thừa nhận những gì Kanwa Defense Review đưa ra ít nhiều là sự thật. Vậy Hsiung Feng IIE có thực sự nguy hiểm như những gì Đài Loan tuyên bố? Nguồn ảnh: Chinese Military.

Tên lửa Hsiung Feng IIE (Hùng Phong II) là một trong ba dòng tên lửa hành trình chống hạm Hsiung Feng do Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn phát triển cho Quân đội Đài Loan, phía Đài Loan cũng chưa từng công bố rộng rãi các tính năng kỹ chiến thuật của loại tên lửa này. Nguồn ảnh: Inkstone.

Về thông số kỹ thuật, phía Đài Loan luôn tuyên bố Hsiung Feng IIE chỉ có tầm bắn vào khoảng 600km thế nhưng trên thực tế con số này có thể lớn hơn gấp đôi. Tốc độ bay của mẫu tên lửa này vào khoảng Mach 0,85 và được trang bị một đầu đạn nổ cực mạnh nặng 180kg. Kể cả khi Hsiung Feng IIE chỉ có tầm bắn 600km thì nó vẫn đe dọa trực tiếp tới hàng loạt thành phố ven biển Đông Bắc Trung Quốc. Nguồn ảnh: Missile Threat.

Bản thân Hsiung Feng IIE cũng được Viện Trung Sơn phát triển theo hướng có khả năng triển khai trên đa nền tảng phóng khác nhau, từ tàu chiến, bệ phóng di động trên mặt đất cho đến cả biến thể phóng trên không. Điều này ít nhiều cho thấy đây là vũ khí tấn công chiến lược của Đài Loan trong một cuộc chiến sống còn với Trung Quốc. Nguồn ảnh: Far Maroc.

Việc sử dụng đa nền tảng phóng cũng tạo ra lợi thế nhất định cho Hsiung Feng IIE khi các hệ thống phóng của nó trở nên khó phát hiện hơn, Quân đội Đài Loan có thể dễ dàng che giấu hoặc triển khai các hệ thống phóng này đến bất kỳ đâu mà họ muốn trong vòng vài giờ. Thậm chí từng có thông tin cho rằng, các hệ thống Hsiung Feng IIE được Đài Loan ngụy trang thành các xe hàng đường dài bố trí dọc hòn đảo này. Nguồn ảnh: Deagel.com.

Việc phát hiện hay đánh chắn trước các hệ thống phóng của Hsiung Feng IIE của Đài Loan đối với Trung Quốc là điều bất khả thi do họ có quá nhiều mục tiêu, chưa kể đến việc các mục tiêu này có thực sự là “mục tiêu giá trị”. Bản thân Trung Quốc khi tính tới chuyện sử dụng vũ lực lấy lại Đài Loan cũng luôn đặt việc hạn chế tối đa thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng lên trên cùng, do đó khả năng Bắc Kinh tung hết những gì mình có về phía Đài Loan là điều khó có thể xảy ra. Nguồn ảnh: Deagel.com.

Dù Trung Quốc tập trung hầu hết các tổ hợp tên lửa phòng không mạnh nhất của nước này ở vùng Đông Bắc, thế nhưng khả năng các đơn vị này có thể làm tròn nhiệm vụ của mình trong một cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía Đài Loan là không cao, bởi lực lượng này có quá nhiều mục tiêu phải bảo vệ và bị phân bố rải rác từ Giang Tô cho tới Tận Quảng Châu. Nguồn ảnh: cnr.cn.

Ở phía ngược lại, Đài Loan hoàn toàn có thể triển khai một đợt tấn công bằng tên lửa Hsiung Feng IIE từ một con đường cao tốc nào đó chạy dọc phía Tây hòn đảo này với mục tiêu là các cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng của Bắc Kinh (từ 5-10 mục tiêu), thiệt hại của các đòn tấn công này cơ bản mà nói sẽ không nhiều nhưng nó cũng sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nguồn ảnh: Asia Times.

Tuy nhiên, theo ông Song Zhongping, một chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại Hong Kong cho rằng, Bắc Kinh đã có sẵn phương án bảo vệ các thành phố và khu vực chiến lược ở nước này. “Hệ thống phòng thủ tên lửa của quân đội Trung Quốc đủ sức đánh chặn tên lửa Tomahawk của Mỹ, do đó tên lửa Hsiung Feng IIE không thành vấn đề đáng quan ngại”, ông Song nhận định. Nguồn ảnh: Asia Times.

Vị chuyên gia này cũng thừa nhận rằng khả năng các tên lửa Đài Loan bay tới được các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Và con số tên lửa Hsiung Feng IIE mà Đài Bắc đang nắm giữ vẫn là một ẩn số đối với Bắc Kinh, do đó còn quá sớm để có thể nhận định “nắm đấm thép” này của Đài Bắc sẽ vô dụng trước hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Asia Times.

Cần phải nói thêm rằng Hsiung Feng IIE chỉ là một trong nhiều mẫu tên lửa hành trình chống hạm đang được Đài Loan biên chế cho quân đội của mình, bản thân họ cũng có nhiều sự lựa chọn khác đủ “nặng” để Trung Quốc phải trả giá đắt nếu khinh suất. Dù vậy chắc hẳn cả Đài Loan và Trung Quốc đều không muốn đi một cuộc chiến như trên bởi cả hai đều hiểu rõ rằng họ có quá nhiều thứ để mất và chiến tranh không phải là cách duy nhất. Nguồn ảnh: Missile Threat.

Trong ảnh lần lượt là các loại tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm do Đài Loan phát triển có tầm bắn tối thiểu từ 120km đến 1.200km. Nguồn ảnh: CSIS.

Mời độc giả xem video: Tên lửa chống hạm Đài Loan thị uy sức mạnh trên biển. (nguồn AsianDefence)

Ánh Dương (Tổng Hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/thuc-hu-kha-nang-ten-lua-dai-loan-tan-cong-phu-dau-trung-quoc-1098107.html