Thực hư công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long có xuất xứ Trung Quốc

Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu và hoàn toàn do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ.

Mặt cầu Thăng Long đã được cào bóc lớp bê tông nhựa để sửa chữa lại đảm bảo tuổi thọ lâu dài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặt cầu Thăng Long đã được cào bóc lớp bê tông nhựa để sửa chữa lại đảm bảo tuổi thọ lâu dài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trong mấy ngày qua, tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long bị chậm và nguyên nhận được đưa ra là chờ chuyên gia Trung Quốc. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long lại xuất phát từ quốc gia này. Vậy, thực hư giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu này từ đâu?

Công nghệ sữa chữa cầu lõi từ châu Âu

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long được chính thức khởi công và bắt đầu thi công từ ngày 16/8. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối quý 4/2020.

Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu sau cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4cm.

Với những giải pháp này, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá sau khi được sửa chữa theo kết quả tính toán và thí nghiệm trên mô hình độ cứng của bản mặt cầu đã tăng tối thiểu 3 lần.

Ngoài ra, dự án cũng sửa chữa các hạng mục khác để đồng bộ với mặt đường xe chạy như thay thế 6 khe co giãn đã bị hư hỏng; sửa chữa lề bộ hành, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông.

Do tính chất phức tạp của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thành lập một tổ chuyên gia kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm về công nghệ này.

“Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu, do đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong nước làm chủ các nội dung chủ yếu của công tác thiết kế, thi công. Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ quả quyết.

Nhìn nhận các giải pháp công nghệ sửa chữa cầu Thăng Long được ứng dụng tiên tiến hiện đại ở nhiều nước châu Âu, phía Tổng cục Đường bộ cho rằng, toàn bộ hệ thống khe co giãn nhập khẩu khe modun của hãng Mageba (Thụy Sỹ). Trong khi đó, vật tư thi công dự án chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước, máy trang rải, đầm bê tông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… hoặc có thể tự chế tạo. Công tác cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa Polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Phương Thành thực hiện.

Đặc biệt, thiết bị được sử dụng thi công dự án bao gồm trạm trộn để sản xuất hỗn hợp UHPC của hãng Skako nhập khẩu từ Đan Mạch; thiết bị rải UHPC và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Trung Quốc. Toàn bộ công việc vận hành thiết bị từ sản xuất vật liệu UHPC, trộn, rải và bảo dưỡng đều do các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, công nhân của Công ty Thành Hưng thực hiện.

Liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc trong dự án, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết đây là 2 kỹ thuật viên thực hiện công tác bàn giao, hướng dẫn vận hành thiết bị theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng UHPC của nhà thầu.

“Hiện tại các công tác chuẩn bị thi công bê tông UHPC vẫn được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Việc lựa chọn thiết bị là do nhà thầu trên cơ sở kinh tế kỹ thuật và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Vì sao không lựa chọn công nghệ Nga?

Trước thắc mắc của dư luận mấy ngày qua về việc vì sao không lựa chọn trước đây và nay là Liên bang Nga để sửa chữa mặt cầu Thăng Long, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết yêu cầu của chuyên gia Nga không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không thể lựa chọn.

Cụ thể, với mong muốn sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ gốc, Tổng cục Đường bộ đã tìm hiểu tài liệu, hồ sơ và tìm được tiến sỹ Sakharova là người đã tham gia thiết kế và thi công mặt cầu Thăng Long. Ngày 1/8/2018, Tổng cục có thư đề nghị bà Sakharova hợp tác để sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Ngày 2/8/2018, bà Sakharova đã có thư trả lời khẳng định có thể hợp tác và đề nghị chuyển tài liệu để nghiên cứu trước đồng thời phía Nga sẽ khảo sát tình hình thực tế. Tổng cục Đường bộ đã chuyển các tài liệu về cầu Thăng Long cho bà Sakharova.

Từ ngày 17-23/9/2018, chuyên gia Nga là tiến sỹ Kazarin Vilgen Yurevich, Tổng giám đốc Công ty SK MOST, người được bà Sakharova cử sang thay làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và đi thị sát cầu Thăng Long. Phía Công ty SK MOST đề nghị chi phí tư vấn dự kiến 7-8% chi phí sửa chữa mặt cầu, tương đương khoảng 14 tỷ đồng.

“Đề nghị này trái các quy định pháp luật Việt Nam nên không thể thực hiện theo yêu cầu. Việc ký hợp đồng khi chưa được các cấp phê duyệt là không phù hợp với quy định của Việt Nam,” ông Toàn cho hay.

Mặt cầu Thăng Long được tiến hành sửa chữa tổng thể triệt để và đảm bảo tuổi thọ lâu dàu. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Không chỉ vậy, qua kênh ngoại giao chính thức, ngày 23/3/2019, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất trong phiên họp của tổ công tác cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt-Nga để phía Nga hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sửa chữa cầu Thăng Long và công nghệ bảo trì cầu, đường nói chung.

Đến ngày 4/7/2019, tại thư do Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên Bang Nga A.M. Talibov gửi cho Bộ Công Thương Việt Nam nêu rõ: “Bộ Phát triển kinh tế Liên Bang Nga đã gửi yêu cầu Công ty SK MOST, kèm đề nghị của phía Việt Nam, tham gia sửa chữa cầu Thăng Long, tuy nhiên công ty không thể hiện sự quan tâm.”

Do không nhận được thông tin trả lời từ phía chuyên gia và Công ty SK MOST, trên cơ sở thư trả lời phía bạn và do nhu cầu phải sửa mặt cầu Thăng Long nên ngày 25/9/2019 Tổng cục Đường bộ đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuc-hu-cong-nghe-sua-mat-cau-thang-long-co-xuat-xu-trung-quoc/661263.vnp