Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh

Cả 3 chỉ tiêu quan trọng đều cho thấy nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rõ rệt. Tuy nhiên, nếu tính đến cả nợ xấu tại VAMC, tình hình có sự khác biệt.

Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh (ảnh minh họa)

Thực hư chuyện nợ xấu ngân hàng tăng mạnh (ảnh minh họa)

Tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng là rất rõ ràng. Doanh nghiệp điêu đứng thì quy mô nợ xấu tại các ngân hàng cũng khó lòng cải thiện. Chính vì thế mà Thông tư 01/2020/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành như là một cách để giúp các ngân hàng có cơ sở pháp lý để trì hoãn ghi nhận nợ xấu.

Số liệu nợ xấu nội bảng 9 tháng năm 2020 của các ngân hàng cũng cho thấy tình hình đang cấp bách hơn.

Theo thống kê của VietnamFinance đối với 27 ngân hàng thương mại (*), tổng nợ xấu nội bảng tính đến hết tháng 9/2020 ở mức 106.710 tỷ đồng, tăng tới 31% so với cuối năm 2019.

Trong số các ngân hàng này, nợ xấu nội bảng của Kienlongbank tăng mạnh nhất với mức tăng lên đến 555%, do ngân hàng này bất ngờ phải ghi nhận lượng lớn nợ xấu liên quan đến một nhóm khách hàng hiện đang thế chấp tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank.

ACB là ngân hàng có quy mô nợ xấu nội bảng tăng mạnh thứ hai với 71%, theo sau là VietinBank (tăng 66%), VietBank (tăng 61%), TPBank (tăng 60%), HDBank (tăng 59%), SCB (tăng 59%).

Rất nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng nợ xấu nội bảng cao hơn bình quân, như NamABank (tăng 47%), SHB (tăng 43%), MB (tăng 39%), Vietcombank (tăng 36%), VietCapitalBank (tăng 33%).

Trái lại, số ít ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nợ xấu chỉ một chữ số, thậm chí giảm. Đáng ngạc nhiên nhất là Techcombank khi nợ xấu nội bảng giảm tới 55%. Cùng với đó, SeABank và NCB cũng là hai ngân hàng đi ngược xu hướng chung với mức giảm lần lượt 4% và 1%.

Saigonbank và PGBank là 2 ngân hàng có mức tăng nợ xấu nội bảng dưới 10%, lần lượt 7% và 8%.

Cũng cần lưu ý rằng quy mô nợ xấu tăng mạnh là một tín hiệu kém khả quan, nhưng chưa đủ để đánh giá toàn cảnh nợ xấu. Trên thực tế, còn phải xem xét hai chỉ tiêu quan trọng khác là: tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/quy mô nợ xấu).

Tính toán của VietnamFinance cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức 1,72%, tăng đáng kể so với mức 1,4% cuối năm 2019.

Song song, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng suy giảm từ 89% xuống 86% trong 9 tháng, phản ánh "bộ đệm" dự phòng cho nợ xấu nội bảng của các ngân hàng nhìn chung đã mỏng hơn.

Tựu trung, cả 3 tín hiệu (quy mô nợ xấu tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm) cho thấy nợ xấu nội bảng của các ngân hàng đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rõ rệt.

Tuy nhiên, nếu tính đến cả nợ xấu tại VAMC, tình hình có sự khác biệt.

Quy mô nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng thương mại tăng rõ rệt. Nguồn số liệu: Tính toán từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng

Mặc dù 2020 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng không ít ngân hàng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC.

Trong số 27 ngân hàng thương mại trong diện thống kê, có tới 6 ngân hàng đã sạch nợ VAMC trong năm nay, gồm: BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MSB, VietCapitalBank và VietBank. Trước năm nay, đã có 11 ngân hàng sạch nợ tại VAMC.

Các ngân hàng vẫn còn nợ xấu tại VAMC như ABBank, BacABank, Eximbank, NCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SHB, VietinBank nhìn chung đều ghi nhận tín hiệu tích cực trong thời gian qua.

Ước tính của VietnamFinance đối với 27 ngân hàng thương mại chỉ ra rằng quy mô tổng nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu VAMC) chỉ tăng 0,7% trong 9 tháng năm nay. Con số này kém xa mức tăng 31% nếu chỉ tính riêng nợ xấu nội bảng.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm nợ xấu nội bảng và giá trị trái phiếu VAMC) thậm chí còn giảm từ 3,2% xuống 3,06%. Song song, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 53% lên 58% sau 9 tháng, cho thấy "bộ đệm" dự phòng đã được gia tăng.

Như vậy, nếu nhìn toàn cảnh hơn, diễn biến nợ xấu phô bày trên báo cáo tài chính của các ngân hàng chưa hẳn đã tiêu cực.

Còn đối với nợ xấu tiềm ẩn, quy mô là chưa thể đong đếm khi các ngân hàng vẫn đang trong thời gian "thụ hưởng" Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, có thể thấy tình hình cũng đang ngày càng căng thẳng khi tính đến ngày 28/9/2020, các tổ chức tín dụng đã tái cơ cấu thời hạn trả nợ đối với hơn 272.115 khách hàng với dư nợ cho vay khoảng 331.013 tỷ đồng, tương đương 3,8% tổng dư nợ của toàn hệ thống.

Trường hợp xấu là toàn bộ các khoản nợ tái cơ cấu này chuyển thành nợ xấu (nghĩa là tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 3,8 điểm% lên khoảng 5,5%) khó lòng xảy ra, tuy nhiên, chỉ cần khoảng 1/3 lượng nợ này chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng có khả năng sẽ vượt ngưỡng 3%, đó là chưa tính đến nợ xấu tại VAMC.

Mức độ chuyển hóa thành nợ xấu phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tiếp theo của dịch cũng như tốc độ phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Và cũng cần lưu tâm thêm rằng con số 3,8% mới chỉ là tính đến gần hết tháng 9/2020, có thể còn tăng tiếp.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn còn giấu nợ xấu bằng các cách khác nhau trong nhiều năm qua, trong đó cách khá "truyền thống" là giấu trong các khoản phải thu.

(*) 27 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, BacABank, BIDV, Eximbank, HDBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, MB, MSB, NamABank, NCB, OCB, PGBank, Sacombank, Saigonbank, SCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, VietCapitalBank, VietBank, Vietcombank, VietinBank, VPBank; trong đó, riêng HDBank và VPBank là số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ (do tỷ lệ nợ xấu hợp nhất chịu tác động lớn của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc), còn lại là số liệu báo cáo tài chính hợp nhất.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thuc-hu-chuyen-no-xau-ngan-hang-tang-manh-20180504224245869.htm