Thực hư chuyện nhà Vua Ma rốc bị hai nhà báo Pháp tống tiền?

Theo nguồn tin nước ngoài, hai nhà báo Pháp, Eric Laurent và Catherine Graciet đã bị cảnh sát bắt giữ về tội tống tiền nhà Vua Ma-rốc Mohammed VI, dọa sẽ cho in cuốn sách nói về thâm cung bí sử Hoàng gia.

Những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9/2015, báo chí phương Tây và Marốc đông loạt đăng tải chuyện hai nhà báo Pháp bị bắt giữ vì cả gan dọa sẽ cho in cuốn sách nói về chuyện thâm cung bí sử hoàng gia nhằm tống tiền nhà vua Mohammed VI. Đây là vụ bê bối gây nhức nhối trong làng truyền thông Pháp và thế giới, bởi hai nhà báo thuộc dạng “cây đa cây đề” lại dùng chính nghề của mình để kiếm tiền . Bên bị hại lại là nhà Quốc vương đáng kính thuộc triều đại 6 hoàng tộc Morốc, Mohammed VI.

Nhà báo Eric Laurent và Catherine Gracie bị cáo buộc tống tiền nhà vua Ma-rốc Mohammed VI

“Chuyện quan trọng muốn nói” giá 3,4 triệu USD

Theo tờ Euronews và Teleghragh, đây là vụ scandal gây bức xúc dư luận. Hai nhà báo kiêm nhà văn Eric Laurent và Catherine Graciet đã bị các nhà chức trách Pháp bắt giữ hôm 27/8/2015. Bên bị hại là nhà Vua Maroc Mohammed VI, nhân vật chính trong cuốn sách của hai nhà báo viết năm 2012 và dự định sẽ công bố đầu năm 2016. Cả hai cây bút đều là những người am hiểu chuyên môn, luật pháp, đảm nhận các chuyên mục điều tra được dư luận quan tâm và đã đưa số tiền “mua im lặng”, không xuất bản cuốn sách nói trên lên tới 3 triệu euro (3,4 triệu USD).

Vụ việc bắt đầu vào ngày 23/7, khi Eric Laurent chủ động liên hệ với Văn phòng Hoàng gia Ma rốc có liên quan đến “một chuyện quan trọng muốn nói”, sau đó là một cuộc gặp bí mật tại Paris giữa Eric Laurent với luật sư Hicham Naciri, đại diện của nhà vua. Không úp mở, Eric Laurent vào thẳng vấn đề, ông ta cùng nữ nhà báo Catherine Graciet đang chuẩn bị tài liệu để viết cuốn sách về hoàng gia Ma rốc, có nhiều nội dung gây bất lợi cho nhà Vua. Eric Laurent không ngại ngần đưa ra giá 3 triệu euro, nếu được đáp ứng cuốn sách trên sẽ không in nữa. Cũng từ đây, các cuộc gặp tiếp theo đã được thu xếp và bí mật nhưng lại bị theo dõi. Cuộc gặp tiếp theo diễn ra ngày 21/8. Luật sư Hicham Naciri cho hay, phía Ma rốc sẵn sàng móc hầu bao, nhưng muốn đàm phán số tiền cho hợp lý. Cuối cùng, Laurentt đồng ý hạ giá.

Trong lần gặp thứ ba, ngày 27/8 tại khách sạn Raphael (Paris) với sự có mặt của Eric Laurent, Catherine Graciet và luật sư Hicham Naciri. Để tăng thêm sức nặng, Catherine Graciet tiết lộ, họ đang nắm trong tay một số tài liệu nhạy cảm, trong đó có bản ghi chép của Cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) về những chuyến thăm Pháp của nhà Vua.

Sau hồi lâu mặc cả, cuối cùng hai bên chấp thuận mức giá 2 triệu Euro, ứng trước 80 nghìn Euro ngay sau khi ký giấy từ chối không xuất bản cuốn sách. Sau khi Naciri ra khỏi khách sạn, giấy biên nhận đã được chuyển cho cảnh sát, trong khi đó, nhóm cảnh sát khác lại tiến hành bắt giữ Eric Laurent, Catherine Graciet cùng các tang vật. Tất cả các lần giao dịch này, không chỉ bị cảnh sát mà còn có cả đại diện nhà Vua Ma rốc bí mật ghi âm và quay phim dưới sự giám sát của cảnh sát. Ngay ngay lập tức, chính phủ Ma rốc đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Paris đồng thời cho công bố công khai trên mặt báo.

Vua Marốc Mohammed VI

Cuốn sách sẽ bị đình bản và sự hối tiếc muộn mằn?

Theo tờ New York Time, ngay sau khi hai nhà báo bị bắt, Hãng xuất bản Editions du Seuil (EDS) của Pháp quyết định ngưng ấn hành cuốn sách theo tiến độ vì sợ bị liên lụy, nhất là khi luật sư của cả hai bên đang vào cuộc. Đầu tháng 9/2015, EDS thông báo khẳng định, họ có mối “quan hệ tin cậy” với hai nhà báo Graciet và Laurent và tuyên bố ấn phẩm sẽ được ra mắt vào mùa Xuân năm 2016. Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, tờ The Journal du Dimanche lại công bố bản ghi âm về cuộc mặc cả giữa hai nhà báo với đại diện của Hoàng gia Ma rốc, nhất là sự thỏa thuận của Graciet và Laurent đồng ý không viết về những gì liên quan đến Ma rốc nữa.

Cả Laurent lẫn Graciet hiện đang được tự do dưới sự giám sát của tòa án, và bị cấm không được trao đổi thông tin qua lại. Nhưng cả hai vẫn phủ nhận cáo buộc, thậm chí còn cho hay không phải họ mà chính đại diện của nhà Vua Mohammed VI đưa ra đề nghị trả tiền để cuốn sách không được xuất bản và cho rằng, đây là cái bẫy chủ định để đưa họ vào vòng lao lý, đồng thời che giấu sự thật đang diễn ra tại Hoàng gia Ma-rốc. Về phần mình, mặc dù cho rằng bị lừa, nhưng Laurent cũng thừa nhận việc chấp nhận thỏa thuận là do hoàn cảnh cá nhân bức bối, vợ đang bị ung thư.

“Tôi bị cám dỗ, và hối tiếc. Tôi đã làm nghề này hơn 35 năm, nên không có gì để che giấu cả...”, Laurent khẳng định. Còn bà Graciet cũng thừa nhận việc thỏa thuận nói trên là sai đạo đức nghề nghiệp nhưng lại lập luận, đây là giao dịch cá nhân với sự đồng ý của cả hai bên nên không theo quy định nào cả.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Le Parisien, bà Graciet cho hay, bà đã quá cả tin, bởi ông Laurent nói rằng mọi thứ là do phía Ma rốc đề nghị. “Tôi đã có những giây phút yếu đuối, phải chăng đó là bản năng? Người ta sẽ làm gì với số tiền 2 triệu Euro một khi danh dự bị mất, cuốn sách bị đình bản”, bà Graciet buồn rầu chia sẻ...

Cuốn Le roi prédateur, main basse sur le Maroc được hai nhà báo Pháp dùng làm công cụ để tống tiền

Vài nét về Vua Ma rốc

Vua Marốc Mohammed VI, sinh tháng 8 năm 1963, đăng quang ngai vàng ngày 23 tháng 7 năm 1999 khi Phụ hoàng của ông băng hà. Ngay từ khi lọt lòng, ông đã được phong là người kế vị đương nhiên và thái tử Phụ hoàng, Vua Hassan II, mong muốn cho con mình học chính trị và tôn giáo từ lúc nhỏ để kế ngôi. Tuy thuộc đẳng cấp hoàng gia nhưng Vua Mohammed VI lại kết hôn với một phụ nữ thường dân, ông là người có công sửa đổi hiến pháp, hủy bỏ chế độ đa thê và sửa lại tập tục của đất nước, nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Vụ tống tiền được ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius than phiền là “bộ phim xấu” về đạo đức của những người làm báo

BẮC GIANG (Theo Net/TCL/News24)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuc-hu-chuyen-nha-vua-ma-roc-bi-hai-nha-bao-phap-tong-tien-post219566.html