Thực hư chuyện mất bằng lái phải thi lại

Dự thảo sửa đổi Thông tư 12 của Bộ GTVT về việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe sẽ làm sáng tỏ việc mất bằng lái có phải thi lại hay không.

Dư luận đang dậy sóng trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.

Sửa đổi dự thảo thông tư

Theo đó, Bộ trưởng Thể cho biết đang có tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông có vi phạm, bị phạt tước giấy phép lái xe (GPLX) thì đi xin cấp lại với lý do bị mất. “Chúng tôi đề xuất: Tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ hai, thậm chí bằng thứ ba” - ông Thể phát biểu.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, hiện Bộ trưởng Thể đang chỉ đạo sửa đổi Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ của Bộ GTVT, ban hành tháng 4-2017.

Trong văn bản quy phạm pháp luật này, tình huống GPLX bị mất được quy định tại Điều 36 theo hai trường hợp. Nếu bằng lái bị mất còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn dưới ba tháng thì được xét cấp lại mà không phải sát hạch. Nếu đã quá thời hạn ba tháng trở lên, không thuộc trường hợp đang bị cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn CSGT thu giữ, xử lý thì để được cấp lại, người có GPLX phải dự sát hạch lý thuyết/hoặc cả lý thuyết và thực hành tùy thuộc vào quá hạn sử dụng dưới một năm hay từ một năm trở lên.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 12 được công bố công khai trên website Bộ GTVT để lấy ý kiến người dân có một số sửa đổi quy định trên.

Theo đó, viết lại theo ba trường hợp bị mất gồm: Bị mất lần thứ nhất mà bằng lái còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn dưới ba tháng thì được xét cấp lại mà không phải sát hạch; bị mất lần thứ nhất mà đã quá thời hạn từ ba tháng trở lên thì phải sát hạch lại với nội dung tùy mức quá thời hạn; và bị mất lần thứ hai trở lên thì kể cả GPLX còn hạn cũng phải sát hạch như mới. Các trường hợp bị mất như vậy phải là thật, tức không phải đang bị thu, giữ bằng lái mà hoang báo.

Như vậy, đến thời điểm này, quan điểm sửa đổi Thông tư 12 của Bộ GTVT vẫn chưa đến mức cứ mất bằng lái là phải thi lại như mới.

Các học viên đang thi sát hạch để lấy giấy phép lái xe. Ảnh: VIẾT LONG

Các học viên đang thi sát hạch để lấy giấy phép lái xe. Ảnh: VIẾT LONG

Cần liên thông dữ liệu

Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù quy định phòng ngừa hoang báo đã có từ lâu nhưng ngành giao thông (chịu trách nhiệm về quản lý, sát hạch, cấp phát GPLX) vẫn chưa thể liên thông với ngành công an (nơi có thẩm quyền thu giữ, xử lý bằng lái của tài xế vi phạm).

Thực tế trên chính là nguyên nhân dẫn tới người vi phạm bị CSGT các địa phương xử phạt dưới hình thức tước bằng lái có thể dễ dàng báo với Sở GTVT là mất để được cấp lại bằng mới.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết theo Thông tư liên tịch 01 của Bộ Công an - Bộ GTVT về phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, CSGT sẽ gửi các vi phạm của người lái sang Tổng cục Đường bộ cập nhật. Phần mềm quản lý GPLX của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái.

Hiện tại phía CSGT mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Nhiều trường hợp bị tạm giữ GPLX do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần nhưng không đến nộp phạt lấy lại mà giả mất GPLX rồi đến cơ quan chức năng để xin lại. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe cũng giả mất bằng để xin cấp lại.

Theo đó, quan điểm của bộ trưởng là muốn nâng cao chất lượng cấp bằng, tránh tình trạng người dân bị tước bằng lái nhưng đến cơ quan khác báo mất để xin lại. “Tổng cục Đường bộ đang nghiên cứu nhiều giải pháp. Trong đó, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an xây dựng dữ liệu chung để dễ quản lý, phải liên thông mới có thể ngăn chặn được việc bị tước bằng lái lại đi báo mất để xin cấp lại. Với tinh thần cái nào thuận tiện cho dân thì triển khai…” - vị lãnh đạo này nói.

Phải khắc phục lỗ hổng

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa qua cho thấy việc quản lý người lái tại một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Trước tình hình đó, bộ trưởng Bộ GTVT muốn đưa ra các giải pháp mạnh, điều này tôi rất chia sẻ. Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề cần phải đáp ứng mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, đề xuất này tôi nghĩ không nên, bởi phát sinh kinh phí và thời gian cho dân.

Tôi nhớ năm 2012, ngành giao thông triển khai đề án đổi mới quản lý GPLX. Theo đó, ngành đã xây dựng hệ thống quản lý GPLX. Lực lượng CSGT có thể cập nhật, kiểm soát tất cả trường hợp bị giữ, thu hồi bằng lái. Mục đích giúp các sở GTVT toàn quốc khi nhận được đơn xin cấp lại GPLX có thể tra cứu xem người dân mất thật hay đang bị tạm giữ.

Tuy nhiên, khâu phối hợp này chưa tốt, CSGT không cập nhật đầy đủ và kịp thời các trường hợp vi phạm. Do đó, xảy ra nhiều trường hợp tài xế bị thu bằng lái thì đi xin cấp lại. Lỗ hổng ở khâu này.

Nên theo tôi, cần phải chấn chỉnh, củng cố khâu này..., phải khép lỗ hổng trong quản lý của ngành. Nếu chúng ta giải quyết các vấn đề bằng mệnh lệnh hành chính nhiều lúc không giải quyết được tình hình mà còn lộ mặt trái…

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam
(nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam)

VIẾT LONG ghi

VIẾT LONG - NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/thuc-hu-chuyen-mat-bang-lai-phai-thi-lai-820514.html