Thực hiện xuất sắc vai trò tham mưu, chỉ huy Quân đội trong các giai đoạn cách mạng

LTS: Sáng 26-8, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) tổ chức Hội thảo khoa học 'BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945-2020)'.

Đây là một trong chuỗi hoạt động trọng tâm kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống BTTM (7-9-1945/7-9-2020). Gần 90 tham luận gửi về Ban tổ chức, tập trung làm sáng tỏ nhiều vấn đề, đồng thời thống nhất đánh giá: Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, BTTM đã thực hiện xuất sắc vai trò tham mưu, đề xuất và tổ chức, chỉ huy quân đội trong các giai đoạn cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số ý kiến tại hội thảo.

* Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Xây dựng khu vực phòng thủ - dấu ấn của Bộ Tổng Tham mưu

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp. Ở Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, tăng cường phá hoại nước ta cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong khi đó, đất nước ta vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Thực tiễn đó đòi hỏi BTTM phải tích cực, chủ động hơn trong nghiên cứu, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược quân sự, quốc phòng (QS, QP) nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia để phát triển đất nước.

 Đại tướng Phạm Văn Trà.

Đại tướng Phạm Văn Trà.

Theo đó, BTTM đã tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương lập kế hoạch chiến lược, xây dựng lý luận phòng thủ khu vực và công tác tham mưu trong khu vực phòng thủ (KVPT); quy hoạch thế bố trí chiến lược và điều chỉnh lại lực lượng; hoạch định nội dung xây dựng hậu phương chiến lược, xây dựng tiềm lực quốc phòng... Một nhiệm vụ quan trọng khác đặt ra và được BTTM giải quyết hiệu quả trong giai đoạn này là xác định cách đánh của quân chủ lực; phổ biến để huấn luyện trong toàn quân. Bên cạnh đó, BTTM đã coi trọng việc chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc, trong đó hết sức coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu đối với công tác quân sự địa phương. Thực hiện nhiệm vụ trên, các đơn vị đã xây dựng được lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, nâng cao chất lượng toàn diện. Để phù hợp với sự điều chỉnh về tổ chức biên chế, vũ khí trang bị và cách đánh của ta trong điều kiện mới, BTTM tập trung chỉ đạo công tác huấn luyện, SSCĐ theo hướng tự lực, tự cường, sát thực tế chiến đấu, sát với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn, tổ chức biên chế, trang bị của từng lực lượng, phù hợp với đối tượng tác chiến và cách đánh truyền thống, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong những năm từ 1994 đến 1997, BTTM còn chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để xây dựng pháp luật về QS, QP; chủ động xây dựng đề án, chuẩn bị nội dung, tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị ra nghị quyết về tổ chức biên chế của quân đội những năm tiếp theo.

Để BTTM vững bước trưởng thành, ngang tầm chiến lược thời kỳ mới, trước hết phải xây dựng cơ quan BTTM vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, có ý chí quyết tâm chiến thắng mọi kẻ thù. Cùng với đó, phải kiên định quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tích cực đổi mới tư duy trong nghiên cứu chiến lược QS, QP; thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo sớm, sát đúng các tình huống chiến lược có thể xảy ra, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra những chủ trương đúng đắn, chủ động đối phó thắng lợi mọi tình huống. Bên cạnh đó, cùng với kế thừa, phát huy tinh hoa nghệ thuật quân sự dân tộc, phải tiếp thu có chọn lọc và vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ quân sự tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn công tác QS, QP ở cơ quan tham mưu chiến lược, đưa nền khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

TỨ MINH (ghi)

* Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thực hiện tốt vai trò tham mưu trong phối hợp giữa quân đội và công an

Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân (CAND) là lực LLVT cách mạng trọng yếu của Đảng, Nhà nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính”. Trong suốt chiều dài lịch sử, hai lực lượng luôn kề vai sát cánh, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, cùng toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Thượng tướng Bùi Văn Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa QĐND và CAND ngày càng toàn diện và hiệu quả hơn, nổi bật trên một số mặt công tác. Thứ nhất, trao đổi, phối hợp kiểm tra xác minh thông tin, đánh giá, dự báo tình hình giữa hai lực lượng ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Thứ hai, công tác phối hợp xây dựng, bổ sung, điều chỉnh, triển khai hiệu quả nhiều phương án, kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Thứ ba, phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, xây dựng Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", nhất là ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển, đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, các khu đô thị, khu công nghiệp lớn; tập trung tham mưu củng cố hệ thống chính trị cơ sở; duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Thứ tư, phối hợp mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới đất liền; thường xuyên phối hợp trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, tuần tra, kiểm soát biên giới; tích cực phối hợp giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt... Thứ năm, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và phối hợp có hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo dục kiến thức quốc phòng-an ninh; xây dựng và diễn tập khu vực phòng thủ; nghiên cứu, sản xuất, triển khai các dự án khoa học, công nghệ; phối hợp xây dựng lực lượng CAND và QĐND vững mạnh toàn diện.

Kết quả phối hợp, hiệp đồng giữa hai lực lượng góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

GIA LƯƠNG (ghi)

* Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng: Chú trọng chỉ đạo công tác đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược

Để hoàn thành trọng trách của cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, kể từ ngày thành lập đến nay, BTTM thường xuyên chú trọng và tiến hành có hiệu quả công tác đào tạo cán bộ (ĐTCB), trong đó có cán bộ chiến dịch, chiến lược.

Trước hết, BTTM đã chỉ đạo công tác ĐTCB chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Cụ thể, chuẩn bị cho Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, BTTM đã tổ chức hội nghị nghiên cứu đánh tập đoàn cứ điểm, mở lớp tập huấn quân sự cho cán bộ trung, cao cấp, nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy tập trung, tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh địch với quy mô lớn, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta để giành thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BTTM đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho các cơ quan, đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược, đáp ứng nhiệm vụ thành lập mới các sư đoàn, quân đoàn và các quân, binh chủng; chú trọng nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng cho đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược, qua đó nâng cao năng lực tác chiến của quân đội, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau khi đất nước thống nhất, BTTM tiếp tục bám sát tình hình để chỉ đạo Học viện Quốc phòng (HVQP) xây dựng và phát triển vững mạnh; chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung ĐTCB chiến dịch, chiến lược phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ thực tế.

Trung tướng Trần Việt Khoa. Ảnh: Thái Hưng

Cùng với đó, BTTM đã chỉ đạo công tác tổng kết chiến tranh, nghiên cứu khoa học quân sự gắn với công tác ĐTCB chiến dịch, chiến lược. Dưới sự chỉ đạo của BTTM, qua các thời kỳ, HVQP đã biên soạn hơn 5.000 tài liệu, giáo trình phục vụ ĐTCB chiến dịch, chiến lược và huấn luyện trong toàn quân; nghiên cứu thành công gần 1.000 đề tài các cấp. Kết quả nghiên cứu của học viện có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao, đáp ứng nhiệm vụ ĐTCB chiến dịch, chiến lược; phát triển khoa học nghệ thuật quân sự; củng cố nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

BTTM cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược, vận dụng kiến thức đã được học ở nhà trường vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy ở cơ quan, đơn vị; chỉ đạo vận dụng kết hợp nhiều phương pháp để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ chiến dịch, chiến lược... Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ chiến dịch, chiến lược không ngừng được nâng cao, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...

HOÀNG PHÚC (ghi)

* Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ: Chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp

Dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của BTTM, 75 năm qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đã cùng toàn quân, toàn dân ta lập nên nhiều chiến công hiển hách, tô thắm thêm truyền thống của cơ quan tham mưu chiến lược.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật DQTV năm 2009; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Đến nay, toàn quốc có hơn 24.000 cơ sở DQTV, quân số đạt tỷ lệ phù hợp, tỷ lệ đảng viên đạt hơn 25%. Các địa bàn biên giới đất liền đã tổ chức xây dựng được các chốt chiến đấu dân quân thường trực cùng các lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Hằng năm, 100% cơ sở DQTV được tổ chức huấn luyện, quân số bảo đảm theo quy định, kết quả kiểm tra có hơn 75% khá, giỏi.

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân. Ảnh: Thái Hưng

Để xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trước hết cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về DQTV. Thứ hai, phải tiến hành xây dựng lực lượng DQTV có số lượng phù hợp, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, chú trọng chất lượng chính trị. Muốn vậy, phải thực hiện nghiêm việc đăng ký, quản lý DQTV, tiến hành tuyển chọn, xét duyệt, sắp xếp đúng, đủ thành phần bảo đảm dân chủ, công khai, bám sát phương châm “vững mạnh, rộng khắp”. Các đơn vị, địa phương cần khắc phục tình trạng mất cân đối lực lượng giữa các vùng, miền; chú trọng xây dựng DQTV tại chỗ, cơ động, phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế và DQTV biển, dân quân thường trực ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng, tự vệ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh triển khai thực hiện, nhân rộng các mô hình mới, như: Hải đội dân quân thường trực, chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền gắn với các điểm dân cư... Thứ ba, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện DQTV và đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức phù hợp, sát thực tế địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Thứ tư, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của DQTV với các lực lượng. Đồng thời quan tâm bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với DQTV, đặc biệt là những địa phương còn khó khăn; làm tốt công tác chính sách hậu phương đối với lực lượng DQTV; quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở làm việc riêng cho ban CHQS cấp xã, nhà ở cho dân quân thường trực và mua sắm công cụ hỗ trợ phục vụ hoạt động, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt của lực lượng DQTV.

LÊ NGHĨA (ghi)

* GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: “Vắt óc, tìm mưu” đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Từ thực tiễn hoạt động phong phú qua các cuộc chiến tranh, BTTM đã khẳng định được chức năng kép của mình: Vừa là cơ quan tham mưu, đề xuất; vừa là cơ quan tổ chức, chỉ huy, điều hành, đặc biệt trong các chiến dịch lớn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BTTM đã âm thầm nghiên cứu, “vắt óc” suy nghĩ để nhận ra đặc điểm mới của cuộc chiến đấu, khi phải đối đầu với quân Mỹ, ngụy và lực lượng đồng minh có tiềm lực và trang bị quân sự hiện đại hơn hẳn ta. Qua quá trình nghiên cứu, BTTM đã đề xuất hai nội dung quan trọng: Một là, về tư tưởng quân sự vẫn phải lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng; hai là, “tiến dần từng bước lên chính quy hóa và hiện đại hóa”. Nắm chắc tình thế cách mạng ở miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, BTTM đã tiến hành một loạt công việc tuyệt mật, như: Tháng 3-1959, chuẩn bị một lực lượng khoảng 800 cán bộ, chiến sĩ, gồm nhiều lĩnh vực quân sự khác nhau và một số vũ khí, điện đài vào Nam. Ngày 19-5-1959, thành lập Đoàn 559 nghiên cứu tiến hành mở đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Sau đó tiếp tục mở tuyến vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam bằng đường biển, mở ra Đường Hồ Chí Minh trên biển.

GS, TS Đinh Xuân Dũng. Ảnh: Hoàng Hà

Từ giữa năm 1965, BTTM đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) nghiên cứu, triển khai kế hoạch đánh máy bay B-52, sẵn sàng đối phó khi địch sử dụng B-52 đánh ra Hà Nội với những nội dung hết sức cụ thể. Dự báo sớm tình hình, chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không hùng mạnh... là những nguyên nhân quan trọng dẫn tới Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Thắng lợi đó chứng minh sự tài trí của cơ quan tham mưu chiến lược.

Để đi tới chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, đầu tháng 1-1975, BTTM chỉ đạo Bộ tư lệnh Miền tiến công giải phóng thị xã Phước Long, làm "phép thử" để có thể đi tới quyết tâm chiến lược mới, táo bạo và chắc thắng. Ngay sau khi giải phóng Phước Long, BTTM đã liên tục triển khai khối lượng công việc rất lớn trên các mặt trận ở miền Bắc và miền Nam: Chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 học tập nghệ thuật chiến dịch tiến công; tăng khối lượng vận chuyển của Bộ tư lệnh Trường Sơn cho các chiến trường ở miền Nam; ra mệnh lệnh hành quân cho Sư đoàn 316; đưa Sư đoàn 10 vào tham gia Chiến dịch Tây Nguyên; điều động lực lượng, trang bị thông tin cho các chiến trường ở miền Nam; triển khai kế hoạch vận chuyển hàng quân sự và dân sinh cho chiến trường miền Nam phục vụ cuộc tổng tiến công và cho cả khả năng chiến đấu lâu dài; điều một số tiểu đoàn xe tăng thiết giáp vào chiến trường; thành lập Đoàn 232; đồng thời lập kế hoạch đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc khi địch bị thua đau ở miền Nam... Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa (tháng 4-1975), BTTM đã đề xuất một loạt kế hoạch tiến công trên các mặt trận; bám sát các mặt trận, liên tục đốc chiến trên các hướng tiến công và tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, sử dụng lực lượng chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

LƯƠNG TÀI (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thuc-hien-xuat-sac-vai-tro-tham-muu-chi-huy-quan-doi-trong-cac-giai-doan-cach-mang-632748