Thực hiện văn hóa công sở: Góp phần để Quảng Ninh phát triển bền vững

Từ tốc độ phát triển KT-XH nhanh, mạnh; đã đặt ra cho Quảng Ninh yêu cầu về đội ngũ nhân lực không chỉ nâng cao về trình độ, năng lực chuyên môn, mà cả chuẩn mực về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng ứng xử, tác phong sinh hoạt…

Cán bộ phường Yên Thanh (TP Uông Bí) hội ý giải quyết một kiến nghị đột xuất của người dân trên địa bàn.

Cán bộ phường Yên Thanh (TP Uông Bí) hội ý giải quyết một kiến nghị đột xuất của người dân trên địa bàn.

Xác định rất rõ điều này, Quảng Ninh xây dựng phong trào thi đua cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở. Nội dung này kể từ năm 2016 đến nay liên tục được Quảng Ninh chỉ đạo tăng cường triển khai thông qua những thông báo, kết luận, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề cụ thể. Đặc biệt năm 2019, Quảng Ninh ban hành Đề án văn hóa công vụ; các năm 2016, 2017 và 2020 Quảng Ninh đã đưa nội dung thực thi văn hóa công sở vào chủ đề công tác năm của mình. Đây chính là cơ sở để Quảng Ninh có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” như hiện nay, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của toàn tỉnh, đưa Quảng Ninh từng bước đạt được những đỉnh cao phát triển mới.

Phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở tại Quảng Ninh phát triển rộng khắp và quyết liệt, thông qua nhiều chương trình hành động, hoạt động từ tổng thể đến cụ thể, tạo sức lan tỏa và hiệu quả rất rõ nét. Đó là việc thực hiện quy định tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc (kể cả đầu giờ sáng, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc); quy định về mặc trang phục chỉnh tề, kín đáo, khuyến khích mặc đồng phục khi làm việc; quy định về thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, lịch sự khi giao tiếp với công dân, doanh nghiệp, nhất là trong công tác tiếp dân, gặp gỡ, đối thoại về các vụ việc tố cáo, khiếu nại… quy định về đảm bảo giờ giấc làm việc; quy định về nâng cao trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính…

Lãnh đạo phường Phương Đông, TP Uông Bí (bên phải) làm việc với đại diện doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, lắng nghe.

Các quy định trên của Quảng Ninh về thực hiện văn hóa công sở ngày càng được cụ thể, rõ nét, hình thành quy chuẩn thông qua những giải pháp hành động sáng tạo, những phần mềm công nghệ hữu ích hỗ trợ. Có thể thấy việc hình thành và ngày càng đẩy mạnh hoạt động tại các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, các bộ phận một cửa tại xã, phường, thị trấn đã làm chuyên môn hóa việc giải quyết thủ tục hành chính, dễ dàng đo lường được thái độ, trách nhiệm của công chức đối với nhân dân. Đây cũng là một kênh nhận sự phản hồi khách quan của nhân dân về thái độ thực thi công vụ của công chức nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 đã thể hiện ngay và chính xác tính tích cực, hiệu quả của công chức đối với công việc, đánh giá luôn năng lực, trách nhiệm của từng người trong từng việc. Cùng với đó các phần mềm “nhắc việc” được các đơn vị hành chính từ cấp tỉnh đến huyện, xã áp dụng thực hiện hiện nay là thước đo tự động, chính xác, công tâm nhất về mức độ hiệu quả làm việc của công chức.

Bên cạnh đó việc kiểm tra, giám sát công tác thực thi văn hóa công sở một cách tổng thể, theo chương trình định kỳ cũng như đột xuất, kèm theo hoạt động thưởng phạt nghiêm túc của tỉnh, các đơn vị chuyên môn đã khẳng định phong trào này được coi trọng. Thực tế trong gần 5 năm qua, có không ít những tập thể, cá nhân đã bị xử lý nghiêm khắc vì vi phạm các quy định văn hóa công sở, điều này nâng cao chất lượng việc thi đua thực hiện phong trào.

Có thể thấy nhờ thực thi văn hóa công sở, đội ngũ công chức Quảng Ninh đã “nói không” với rượu bia trong ngày làm việc từ năm 2017, trước 2 năm so với Nghị định 100 của Chính phủ về quy định phạt tiền người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp, nét chung chính là đội ngũ công chức nghiêm túc, chuẩn mực từ giờ giấc làm việc, tác phong ăn mặc, lối ứng xử đến trách nhiệm trong công việc. Thậm chí đến thời điểm này, khẩu hiệu “hết việc, không hết giờ” đã trở thành “kim chỉ nam” phấn đấu trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đáng nói chuyển biến đáng mừng trong công tác thực thi văn hóa công sở không chỉ có ở những vùng đô thị, mà cả ở các địa phương nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa, các đơn vị, sở, ngành, đoàn thể vốn thường xuyên tiếp cận với người dân, doanh nghiệp, có khối lượng công việc lớn, áp lực cao...

Cán bộ chuyên môn ngành Nông nghiệp tỉnh kiểm tra thực địa tình hình ngao chết tại huyện Hải Hà năm 2018.

Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, khẳng định: Những kết quả từ phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở cũng chính là cơ sở, tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cho Quảng Ninh, mang về cho Quảng Ninh các chỉ số cao về mức độ hài lòng của người dân, về chỉ số cải cách hành chính, về tính hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, của lãnh đạo tỉnh… Từ đây góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng đầu toàn quốc về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đồng thời tiếp tục là "thỏi nam châm" hút doanh nghiệp, cực tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững, đột phá của cả nước.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202008/huong-toi-dai-hoi-thi-dua-yeu-nuoc-tinh-quang-ninh-lan-thu-v-2020-2025-thuc-hien-van-hoa-cong-so-gop-phan-de-quang-ninh-phat-trien-ben-vung-2494725/