THỰC HIỆN TỔNG THỂ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

Trong văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng cần phối hợp thực hiện tổng thể các giải pháp để hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Nghị quyết 18-NQ/TW: Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và nhà nước

Tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, bên cạnh việc đánh giá, khẳng định những kết quả rất tích cực đã đạt được, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó nhận định, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ tồn tại như: "Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai còn diễn ra phổ biến, phức tạp”, “công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chưa được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm kịp thời, xử lý dứt điểm” với nguyên nhân “ý thức chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ, chưa nghiêm”, “vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng chức quyền tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm".

Trong văn kiện Đại hội đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai...

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Cho ý kiến về việc sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai tại Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, đất đai là vấn đề rất quan trọng trong thực tiễn, liên quan đến nhiều người, cũng là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp. Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Đất đai có hiệu lực đã phát huy tác dụng tốt trong việc góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trên các mặt về thẩm quyền, hệ thống pháp luật…Về thực thi, thực hiện Luật Đất đai có nơi có lúc chưa nghiêm, có tiêu cực tham nhũng, sai phạm, lãng phí nguồn lực; hệ thống pháp luật không đồng bộ, không thống nhất, chưa rõ ràng, có khoảng trống, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau; vi phạm liên quan đến đất đai...

Đối với việc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình lưu ý một số vấn đề: Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan, đảm bảo yêu cầu đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ thống nhất với hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh như các ý kiến đã nêu; Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu..., phải đảm bảo quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường.Tổ chức các luật hiện hành đặc biệt thực thi Luật Đất đai nghiêm chỉnh hơn, tránh dự án giao rồi thành dự án treo làm lãng phí nguồn lực; tăng cường thanh tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm, tội phạm. Nghiên cứu, tổ chức lại các cơ quan thực thi pháp luật về đất đai một cách chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn trong đó có Tòa án về đất đai, cơ quan Thanh tra về đất đai. Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai: về đăng ký tài sản, cơ sở dữ liệu quốc gia, kiểm soát tài sản...

Chia sẻ giải pháp để hạn chế tiêu cực, tham nhũng về đất đai, đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cho rằng, để hạn chế vi phạm trong quản lý đất đai cần lưu ý hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về đất đai như Luật, Nghị định, văn bản hướng dẫn, thi hành… để bịt khe hở trong quản lý, thực thi chính sách pháp luật nói chung, trong đó có vấn đề quản lý đất đai. Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hơn ai hết, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất về những vi phạm đất đai, không thể đổ lỗi cho cấp dưới mỗi khi có vi phạm. Bí thư, Chủ tịch ở địa phương phải chịu trách nhiệm cao nhất trước những vi phạm về đất đai. Tiếp đến là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Như Tiến kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thanh tra các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Tăng cường vai trò giám sát, trong đó nòng cốt là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức giám sát và phản biện xã hội. Cùng với đó, cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân, coi nhân dân là “tai mắt” để cơ quan Nhà nước làm tốt hơn vai trò quản lý của mình. Phát huy vai trò của báo chí trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông khi họ không quản ngại khó khăn, dũng cảm xông vào những “trận địa” chống tiêu cực cam go, thậm chí phải đổi bằng cả xương máu, tính mạng của mình để đưa những vấn đề tiêu cực ra ánh sáng.

Phân tích nguyên nhân tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng một phần nguyên nhân là do lỗ hổng về cơ chế chính sách pháp luật về đất đai. Theo đó, hiện nay trên thị trường đang tồn tại cơ chế hai giá đất. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để doanh nghiệp, người dân xác định cơ sở tính tiền đóng thuế sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá thị trường. Trong khi đó, giá thị trường thường cao hơn nhiều lần so với khung giá Nhà nước ban hành. Do đó, nếu vẫn còn tồn tại khung giá đất cụ thể mà không căn cứ vào thực tế thị trường thì người ta vẫn còn tìm cách tiêu cực, tham nhũng.

Để khắc phục lỗ hổng này, Nghị quyết 18 mới được Trung ương ban hành về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…", trong đó yêu cầu tăng tính công khai minh bạch bằng cách bỏ khung giá đất, xác lập cơ chế định giá thị trường, thay bằng định giá theo khung giá cố định. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh đây là bước đi đúng đắn, nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đất đai là do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện. Khi cán bộ có phẩm chất không tốt, họ sẽ tìm mọi cách để lách luật, vi phạm pháp luật, tư lợi. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nêu rõ, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ ở cấp Trung ương thời gian vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự gương mẫu của người đứng đầu. Việc thành lập các Ban phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương được xem là “cánh tay nối dài” của Đảng nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc các vấn đề liên quan tới tiêu cực, tham nhũng trong đó có lĩnh vực đất đai, một cách đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67286