Thực hiện thông điệp 'đừng kỳ thị kinh tế tư nhân'

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đó là một trong những nội dung mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phát biểu giải trình tại nghị trường sáng nay (6/6).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Thực hiện thông điệp "đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân"

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Thực hiện thông điệp "đừng kỳ thị với kinh tế tư nhân"

Nhắc lại thông điệp “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu tại hội nghị Trung ương 7 vừa qua, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...

“Tinh thần điều hành của Chính phủ là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Kinh tế ổn định dù nhiều yếu tố tiêu cực tác động

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019 mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường, bệnh dịch trong nước lan nhanh trên diện rộng tác động tiêu cực, song phát triển kinh tế xã hội vẫn được duy trì.

“Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua…” – Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định, cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong xã hội còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất, quyết tâm thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Xử nghiêm nhiều vụ án nghiêm trọng

Theo Báo cáo của Phó Thủ tướng, về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, cho thấy kết quả điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng vừa qua, như các vụ: AVG; Vũ “nhôm”; Út “trọc”, gang thép Thái Nguyên…

Các cơ quan nhà nước cũng tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm như PVTex, Ethanol Phú Thọ, cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng còn thấp” – Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội.

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống tham nhũng vặt. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa,... Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, theo Phó Thủ tướng, tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến, giải ngân 5 tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng khoảng 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).

Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, chậm thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định. Vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật liên quan.

Giải pháp khắc phục tồn tại, Phó Thủ tướng đề cập là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là các dự án lớn giải ngân chậm. Yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng. Đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình.

Chính phủ cũng đã trình Quốc hội dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin - cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm…

Về phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu nhiều con số. Hiện cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Việt Nam cũng đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp, Việt Nam đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp, trong khi các nước ASEAN trung bình là 80-100, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10-12 người dân/doanh nghiệp.

Hồng Hương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thuc-hien-thong-diep-dung-ky-thi-kinh-te-tu-nhan-151591.html