Thực hiện quy định mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức: Thận trọng, bảo đảm quyền lợi giáo viên

Từ ngày 20/3/2021, bốn thông tư số 01,02,03,04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ngày 2/2/2021 lần lượt quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và bổ nhiệm xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập có hiệu lực. Phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Quang Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang làm rõ thêm một số nội dung các thông tư này.

Nhiều viên chức giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập lo lắng về việc tụt hạng, giảm lương khi thực hiện theo thông tư mới. Ông có thể chia sẻ về nội dung này?

Ông Nguyễn Quang Đông.

Ông Nguyễn Quang Đông.

Ông Nguyễn Quang Đông: Qua nghiên cứu, theo bốn thông tư do Bộ GD&ĐT mới ban hành thì việc bổ nhiệm, xếp lương CDNN đối với giáo viên mầm non, tiểu học và THCS có sự thay đổi; còn giáo viên THPT cơ bản giữ nguyên.

Nguyên nhân là do Luật Giáo dục năm 2019, quy định nâng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp lên đại học; giáo viên THCS từ cao đẳng lên đại học. Đồng thời, hạng CDNN của giáo viên mầm non, tiểu học được xây dựng thành 3 hạng, gồm: Hạng I, hạng II, hạng III (thay vì có 4 hạng như hiện hành).

Cũng theo thông tư, quy định lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS mới được tuyển dụng được xếp tương ứng trình độ đào tạo, đồng thời bảng lương áp dụng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS ở hạng cao hơn cũng có sự điều chỉnh tăng tuần tự theo quy định. Các thông tư đã quy định rõ việc bổ nhiệm, xếp lương đối với từng trường hợp cụ thể.

Đặc biệt, thông tư có điểm mới có lợi cho giáo viên đó là trong cùng một hạng nếu đã được bổ nhiệm và xếp lương theo hạng CDNN như thông tư cũ mà nay đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định theo thông tư mới thì sẽ được giữ nguyên hạng nhưng việc xếp lương thì tính như thăng hạng mà không phải qua kỳ xét hoặc thi như trước đây.

Trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở hạng hiện giữ thì xếp lương và bổ nhiệm vào hạng thấp hơn liền kề nhưng hệ số lương không đổi; khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì xếp hạng cao hơn liền kề mà không phải qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN. Như vậy nghĩa là giáo viên sẽ giữ nguyên lương hiện hưởng hoặc tăng lương (nếu đủ điều kiện) mà không cần qua kỳ xét hoặc thi thăng hạng. Vậy nên hoàn toàn không có chuyện giảm lương.

Một trong những điều kiện để được xét thăng hạng CDNN là phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề, ông có thể nói rõ thêm về điều kiện này?

Ông Nguyễn Quang Đông: Tại điểm a, khoản 1, Điều 32, Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để được xét thăng hạng CDNN đó là: Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng CDNN.

Một buổi học tại trường Mầm non xã Quảng Minh (Việt Yên).

Thực tế Nghị định này tạo điều kiện hơn với viên chức khi tính thời gian công tác làm căn cứ xếp lương. Cụ thể, trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác, đóng BHXH bắt buộc theo quy định (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) mà được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng, làm việc ở vị trí, việc làm phù hợp thì được xếp lương tương đương với hạng CDNN hiện giữ.

Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ CDNN hạng dưới liền kề so với hạng CDNN dự thi hoặc xét tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, xét thăng hạng.

Theo quy định hiện nay, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN. Vậy đơn vị nào được phép tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, chương trình và mức học phí cụ thể thưa ông?

Thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có gần 25,2 nghìn viên chức giảng dạy ở các cơ sở giáo dục công lập của các bậc học: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên.

Ông Nguyễn Quang Đông: Các cơ sở được Bộ GD&ĐT cấp phép để bồi dưỡng thì có chức năng bồi dưỡng; việc giảng dạy thực hiện đúng theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định.

Về học phí được thực hiện theo Thông tư số 14/2019/TT-BGD&ĐT ngày 30/8/2019 về việc hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tại Bắc Giang, hằng năm, Sở Nội vụ đều lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín, đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT để liên kết tổ chức bồi dưỡng CDNN cho giáo viên. Từ đầu năm 2020, các lớp học này được mở tại các huyện, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, viên chức thay vì học tập trung ở TP Bắc Giang như trước kia. 3 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức 10 lớp cho gần 1 nghìn học viên.

Để việc bổ nhiệm xếp lương, thăng hạng bảo đảm yêu cầu, kế hoạch, với vai trò cơ quan tham mưu, Sở Nội vụ sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới? Ông có chia sẻ gì với đội ngũ giáo viên?

Ông Nguyễn Quang Đông: Sở Nội vụ sẽ triển khai việc bổ nhiệm, xếp lương theo CDNN căn cứ thông tư mới vào dịp hè năm 2021, bảo đảm giáo viên có thời gian hoàn thiện hồ sơ và điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu trong năm học 2020-2021.

Vì đây là nội dung mới nên chúng tôi sẽ thận trọng khi triển khai, tranh thủ học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn và xin ý kiến của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ bảo đảm chặt chẽ. Bản thân mỗi cán bộ, viên chức, người đứng đầu cơ sở giáo dục cần tự nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, nội dung thông tư để hiểu đúng, hiểu đủ về quy định.

Đặc biệt, việc đi học các lớp bồi dưỡng CDNN hay các loại hình đào tạo khác phải thực hiện nghiêm theo quyết định số 195/QĐ-UBND ngày 12/5/2015 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đó là phải báo cáo và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền (Giám đốc sở, Chủ tịch UBND huyện, TP).

Trường hợp tự túc hoàn toàn về thời gian, kinh phí học tập, phải tham gia đầy đủ các hoạt động của cơ quan, đơn vị nơi công tác và chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà cơ quan, đơn vị phân công đảm nhiệm và được thủ trưởng cơ quan quản lý (Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, TP) đồng ý bằng văn bản báo cáo cơ quan quản lý. Bởi vậy, các thầy cô cần nắm rõ quy định, tránh việc tự ý học các lớp bồi dưỡng, đào tạo nhưng không được công nhận.

Xin cảm ơn ông!

Vi Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/giao-duc/355519/thuc-hien-quy-dinh-moi-ve-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-xep-luong-vien-chuc-than-trong-bao-dam-quyen-loi-giao-vien.html