Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Cần coi trọng sự công khai, minh bạch

Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được các cấp chính quyền quan tâm, tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, hiệu quả, thực tế cho thấy, công tác này vẫn còn những tồn tại.

Bài học từ Bình Khê

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011-2013, thôn Bắc Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều, được phê duyệt xây dựng 2 tuyến đường giao thông. Dự án đã đưa vào sử dụng hơn 4 năm nhưng cũng từng ấy thời gian người dân thôn Bắc Sơn gửi đơn tố cáo liên quan đến việc xây dựng tuyến đường này.

Những sai phạm trong việc làm đường nông thôn ở thôn Bắc Sơn được chỉ ra xuất phát từ công tác quản lý kinh tế không rành rọt, thiếu minh bạch cùng với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã không được chính quyền xã, thôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Nhiều nội dung người dân phản ánh cần được công khai, minh bạch nhưng lại không được làm rõ, không công khai. Trong quá trình giải quyết, thái độ của cán bộ, công chức, đảng viên chưa đúng mực, giải quyết không dứt điểm, có phần quan liêu đã đẩy bức xúc của người dân lên cao.

Buổi đối thoại giải quyết nội dung tố cáo của 4 công dân thôn Bắc Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân trong thôn.

Ông Trần Văn Lục, người dân thôn Bắc Sơn, cho biết: “Đơn cử như việc UBND xã công bố Kết luận 01 về giải quyết nội dung tố cáo của 4 công dân trong thôn liên quan đến tuyến đường, có mời toàn thể nhân dân trong thôn đến nhưng lại không mời 4 công dân có đơn. Do vậy, khi công dân có đơn tố cáo đến thì không được cho vào dự, sau đó do lời qua tiếng lại, 4 công dân đó bị đuổi ra. Chúng tôi phải vào can ngăn mới không xảy ra xô xát, tôi rất bất bình với cách hành xử đó của cán bộ xã, thôn”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, liên quan đến việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kiến thiết cơ sở hạ tầng của thôn Bắc Sơn, trong 3 năm (2011-2013), Chi ủy và Ban vận động xây dựng nông thôn mới đã tổ chức 39/61 cuộc họp để bàn và quyết định những vấn đề về xác định các tuyến đường thôn được ưu tiên vận động mở rộng, cơ chế hỗ trợ những gia đình hiến đất, vật kiến trúc… Tuy nhiên, việc ghi chép nhật ký còn tóm tắt, không có kết luận của người chủ trì. Số lượng người dân tham gia các cuộc họp thôn không đạt tỷ lệ quá 50%. Việc cử giám sát còn cử chung một tập thể, không rõ người cụ thể. Hồ sơ thực hiện dự án của UBND xã không có biên bản họp lấy ý kiến của cộng đồng nhân dân, không đảm bảo quy định.

Chia sẻ tại hội nghị đối thoại của UBND tỉnh giải quyết nội dung tố cáo của 4 công dân thôn Bắc Sơn ngày 2/10 vừa qua, ông Phạm Văn Lập, Phó thôn Bắc Sơn, xã Bình Khê, cho hay: “Hệ quả từ vụ việc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến lòng tin trong dân bị suy giảm. Chúng tôi là ban lãnh đạo thôn mới càng khó trong việc điều hành công việc của thôn, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng công trình rất khó khăn”.

Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Có thể coi vụ việc ở Bình Khê là “con sâu làm rầu nồi canh” khi quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được coi trọng, thực hiện nghiêm túc. Tại buổi đối thoại ngày 2/10, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã thẳng thắn phê bình chính quyền xã, thôn trong giải quyết vụ việc; đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND TX Đông Triều phải tổ chức thanh tra toàn diện dự án, công khai tới toàn thể nhân dân thôn Bắc Sơn trước ngày 18/11. Đây là bài học đắt giá cho cấp chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện.

Ông Đoàn Văn Tuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, cho biết: “Chỉ riêng trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, nếu không làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở thì khó hoàn thành được các tiêu chí bằng hình thức dân bàn và quyết định trực tiếp. Nhân tố chính thực hiện chương trình này là người dân, do vậy nếu người dân không được làm chủ, không được công khai, minh bạch, không được bàn bạc, thống nhất quyết định thì sẽ không mang lại hiệu quả, ý nghĩa tích cực”.

Người dân xem thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại Nhà văn hóa khu 7, phường Quảng Yên, TX Quảng Yên.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, trong những năm qua, cấp xã đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chính quyền cấp xã đã tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công khai, minh bạch các nội dung theo quy định, tập trung chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, trình tự giải quyết thủ tục hành chính, lịch tiếp công dân, bình xét hộ nghèo… Việc công khai được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: Niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn; công khai trên hệ thống truyền thanh của các thôn, khu; các cuộc họp của khu dân cư. Chính quyền địa phương cũng duy trì có hiệu quả việc giao ban định kỳ hằng tháng giữa cấp ủy với đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, khu. Qua đó phát huy thông tin hai chiều giữa cấp ủy với đội ngũ cán bộ thôn, khu, sâu sát xuống cơ sở.

Các địa phương cũng quan tâm chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước; kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân theo quy định. Một số địa phương đã in, sao hương ước, quy ước cấp phát đến từng hộ dân, tổ chức ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, hương ước, quy ước. Có thể kể đến như Cẩm Phả phát gần 53.000 bản đăng ký cam kết đến hộ dân, TX Quảng Yên đã tổ chức ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước đến 37.200 hộ…

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201810/thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-can-coi-trong-su-cong-khai-minh-bach-2404695/