Thực hiện phẫu thuật tách hai em bé khi mới 1,5 tháng tuổi có phải quá sớm?

Theo dự kiến, ca mổ tách bé song sinh được tiến hành trong vòng 4 tiếng. Tuy nhiên, thành công ngoài mong đợi, ê kíp bác sĩ đã hoàn tất ca mổ trước 1,5 tiếng. Dù thành công nhưng việc phẫu thuật tách hai bé song sinh khi mới 1.5 tháng tuổi có quá sớm?

Hai bé song sinh dính liền gan đã được Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công. Ảnh: Anh Thư

Hai bé song sinh dính liền gan đã được Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật tách rời thành công. Ảnh: Anh Thư

Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi

“Ca phẫu thuật thành công ngoài dự tính của ê kíp bác sĩ. Sự thành công này là kết quả phối hợp chặt chẽ giữa tiền sản và hậu sản của Bệnh viện (BV) Từ Dũ và BV Nhi đồng 1” – bác sĩ Đỗ Trung Hiếu - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1- chia sẻ với báo giới vào chiều nay, 2/10.

Bác sĩ Đỗ Trung Hiếu cho biết 2 ngày trước khi thực hiện ca mổ, các bác sĩ đã rà soát lại toàn bộ quá trình theo dõi trước đó và nhận định: Hai bé song sinh dính liền phần gan, diện dính là 4-5cm, chung nhau một hệ tĩnh mạch cửa. Các bác sĩ cũng đã nói chuyện với ba mẹ hai bé, để có sự đồng lòng của cả gia đình các bé, nhằm giúp ca phẫu thuật thuận lợi hơn.

Sau ca mổ, hai bé đã được chuyển đến phòng hồi sức để theo dõi và chăm sóc. Ảnh: Anh Thư

Tuy nhiên, trong quá trình mổ các bác sĩ cũng gặp khó khăn. Đó là bề dày của mối dính lên đến 2cm, nếu phẫu thuật không cẩn thận, nguy cơ chảy máu sẽ rất cao, nguy hiểm đến tính mạng các bé. Trước đó, bác sĩ cũng đã tiên lượng, trong trường hợp chảy máu thì không được quá 5cc, để đảm bảo sự an toàn cho bé.

Sau khi phẫu thuật, việc khâu da cho bé cũng được thực hiện rất tốt. Với vết mổ dài 6cm, bác sĩ đã khâu thành bụng gần như hoàn toàn.

Thực hiện phẫu thuật tách hai em bé khi mới 1,5 tháng tuổi có phải quá sớm?

Mặc dù ca mổ đã thực hiện thành công, nhưng liệu việc tách hai em bé song sinh dính liền nhau khi mới 1.5 tháng tuổi có quá sớm hay không?

Trả lời vấn đề này, bác sĩ Hiếu cho rằng “Không có lý do để trì hoãn ca mổ. Cho đến hiện tại, BV Nhi đồng 1 đã xử lý 10 trường hợp mổ tách em bé song sinh dính nhau và đều thành công. Hơn nữa, về nhân lực, trang thiết bị y tế hiện đại, tổ chức và kinh nghiệm phẫu thuật, thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ xử lý được. Đặc biệt, với các em bé song sinh dính liền nhau, nếu có điều kiện, cần phải xử lý càng sớm càng tốt cho bé và tâm lý gia đình".

Y tá đang chăm sóc hai bé song sinh được tách thành công. Ảnh: Anh Thư

Trao đổi với chúng tôi, chị N.T.H.H. (40 tuổi, ngụ Quảng Nam), mẹ của hai bé cho biết: “Khi hai bé mỗi ngày một lớn, thì có dấu hiệu càng áp sát vào nhau, nên việc vệ sinh và chăm sóc các bé bắt đầu khó khăn. Nhìn các con cựa mình, khóc ré lên khi thay bỉm, tôi thấy thương con nhiều. Việc phẫu thuật tách vào lúc nào là hợp lý đều do bác sĩ theo dõi và chỉ định. Gia đình tôi hoàn toàn lắng nghe ý kiến bác sĩ’.

Với thành công của ca phẫu thuật, các thông số khí, máu, huyết động học của hai bé đều bình thường. Hai em bé đã được chuyển qua phòng hồi sức để sớm hồi phục các chức năng gan, giúp các em được lớn lên bình thường như bao đứa trẻ khác. Bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu - Phó khoa Hồi sức ngoại - cho biết: "Dự tính bé thứ 1 có thể cai máy thở vào tối nay, bé thứ 2 có thể cai máy thở vào sáng mai".

Trăm Nguyễn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/thuc-hien-phau-thuat-tach-hai-em-be-khi-moi-15-thang-tuoi-co-phai-qua-som-368544.html