Thực hiện NQ về Tam nông: Bước chuyển lớn nhưng còn đó thách thức

Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa VI về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp được ban hành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo đó, hộ là đơn vị kinh tế tự chủ. Chỉ 1 năm sau khi triển khai, từ nước nhập khẩu lương thực, năm 1989, Việt Nam đã có tên trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới. Có được điều đó là do sức sản xuất được giải phóng.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10, nông nghiệp đã có sự đổi thay kỳ diệu: Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản có thứ hạng trên thế giới. Hơn thế nữa, cùng với thực hiện Nghị quyết 10, tư duy quản lý kinh tế nói chung được nâng tầm. Từ đây, nền kinh tế nhiều thành phần và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần định hình và phát huy mặt tích cực trong huy động nguồn lực trí tuệ, vốn liếng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển ổn định, cuộc sống mọi mặt của người dân nói chung và nông dân nói riêng từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10, nhiều điểm yếu cũng đã bộc lộ: Do xác định hộ là đơn vị kinh tế tự chủ nên sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán, năng suất và chất lượng thấp khiến giá trị gia tăng thấp; nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, không đạt yêu cầu thúc đẩy phát triển. Do hộ là đơn vị kinh tế tự chủ nên việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong trồng trọt và kháng sinh trong chăn nuôi rất khó kiểm soát khiến môi trường nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng. Cũng do hộ là đơn vị kinh tế tự chủ nên không đủ nguồn lực và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, diễn biến thị trường cũng như khai thác tiềm năng lợi thế và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng. Tỷ lệ người nghèo, nhất là ở nông thôn, số xã nghèo, huyện nghèo, vùng nghèo còn cao…

Trên cơ sở đó, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các nhiệm vụ chính: Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân…

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết quan trọng này, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt là đời sống của người dân sống ở nông thôn được nâng cao về mọi mặt: Đến năm 2017 đã có 99,4% số xã có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã, 100% số xã và 99,2% số hộ nông thôn có điện, 99,7% số xã có trường tiểu học và trường mẫu giáo, 99,5% số xã có trạm y tế, 88,5% dân số nông thôn được cấp nước sạch hợp vệ sinh; 42% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,15 triệu đồng lên 32 triệu đồng. Năng suất lao động tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm mạnh. Xuất khẩu nông nghiệp tăng liên tục, năm sau phá kỷ lục năm trước, năm 2017 đạt 36 tỷ USD, năm 2018 tiếp tục lập kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 40 tỷ USD…

Theo nhiều chuyên gia, cái được lớn nhất sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW là, tư duy sản xuất quy mô lớn với sự liên kết đa chiều, đa dạng đã và đang thay dần cho tư duy tiểu nông; sự điều hành của các cơ quan chức năng và quá trình sản xuất đã tiếp cận diễn biến, yêu cầu của thị trường; người nông dân đã biết liên kết cùng nhau và doanh nghiệp để xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả nhằm khai thác lợi thế tự nhiên, tạo nên sản phẩm đặc thù; từng bước đưa nông sản Việt đi xa hơn, đến những thị trường khắt khe hơn và mang về lợi nhuận nhiều hơn,…

Tuy vậy, hầu hết mọi người đồng tình với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi ông cho rằng: Thành tích đã rõ nhưng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục (xem bài Mười năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW: Nông nghiệp, nông thôn chuyển mình mạnh mẽ, trên trang 6 số báo này).

Làm sao trong 10 năm tới chúng ta thực hiện thành công mục tiêu mà Thủ tướng đã nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “vào TOP 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất và ngành chế biến nông sản lọt TOP 10 quốc gia hàng đầu trong thập niên tới”.

Đó là nhiệm vụ vô cùng nặng nề bởi cho đến giờ, tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nền nông nghiệp của ta đang còn rào cản rất lớn, chỉ Nhà nước mới có thể xử lý, đó là vấn đề tích tụ đất đai và cơ chế chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng chuỗi liên kết với nhà nông. Thêm nữa là vấn đề cơ khí hóa nông nghiệp và công nghệ giống.

Hiền Trang

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thuc-hien-nq-ve-tam-nong-buoc-chuyen-lon-nhung-con-do-thach-thuc-post24128.html