Thực hiện nhiệm vụ kép: Ứng phó bão và khắc phục hậu quả mưa lũ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương liên tục theo dõi diễn biến của bão số 8, lưu ý đến an toàn hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh và hồ Tả Trạch, Thừa Thiên-Huế.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai báo cáo tình hình diễn biến của bão số 8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai báo cáo tình hình diễn biến của bão số 8. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

"Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác ứng phó với bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, trong đó Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thủy sản, lực lượng kiểm ngư và các địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển."

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 chiều 23/10 tại Hà Nội.

Siết chặt quản lý tàu thuyền

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tàu đang nằm trong khu vực nguy hiểm, trong đó 1 tàu của tỉnh Bình Định với số hiệu BĐ 97126/TS cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo liên lạc, hướng dẫn tàu di chuyển vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời siết chặt việc quản lý tàu thuyền, xử lý nghiêm đối với các tàu, chủ tàu không tuân thủ công tác đảm bảo an toàn khi có thiên tai.

"Đặc biệt chú ý đến hoạt động của tàu vãng lai, tàu vận tải và các hoạt động liên quan đến du lịch trên các đảo. Các lực lượng chức năng phải kiểm soát tốt các hoạt động này nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản. Các địa phương kiểm tra, có phương án để đảm bảo an toàn cho các hộ dân tại vùng còn đang ở khu vực ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các huyện còn ngập của tỉnh Quảng Bình," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 6-23/10 liên tục xảy ra 3 cơn bão kèm mưa lớn, hiện ngoài xa phía Đông Philippines đang hình thành một nhiễu động trên nền dải hội tụ nhiệt đới và có thể phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão.

Do vậy, các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương liên tục theo dõi diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, lưu ý đến an toàn hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) và hồ Tả Trạch (Thừa Thiên-Huế) để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến bão số 8 và các hình thái thời tiết khác, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, truyền thông.

Bão số 8 suy yếu khi cập bờ và gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 8 mạnh nhất khi đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa với cường độ cấp 12-13, giật 15, bão di chuyển theo hướng Tây về khu vực đất liền các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Trị.

Trong đêm 23/10 đến rạng sáng 24/10, bão có khả năng suy yếu khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, khi di chuyển vào gần bờ bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 8 gây mưa ở các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, lượng mưa từ ngày 24-25/10 từ 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Dự kiến đường đi của bão số 8 trong những ngày tới. (Ảnh: TTXVN)

Khu vực vịnh Bắc Bộ, các khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ 2-4m.

Thông tin từ Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Thủy sản, tính đến 16 giờ ngày 22/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 59.477 tàu/289.299 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 11 giờ ngày 23/10, mưa lũ đã làm 138 người chết và mất tích, trong đó có 117 người chết, 21 người mất tích; 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt; 533 ha lúa bị ngập; 3.886ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.152 con gia súc 740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Quảng Bình chủ động phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Tại tỉnh Quảng Bình, nước lũ đang rút chậm, khi bão số 8 đổ bộ sẽ rất nguy hiểm và hoàn lưu bão gây mưa to, nguy cơ Quảng Bình tiếp tục ngập lụt rất dễ xảy ra.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai các công tác; tham mưu, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc những biện pháp ứng phó với bão số 8.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 6.564 tàu cá đang neo đậu an toàn ở các âu thuyền; 11 tàu hàng các loại đang neo đậu tại cảng Hòn La và cảng Gianh.

Tàu VTB Star bị mắc cạn được lực lượng chức năng cứu hộ thành công. Hiện tàu VTB Star và thuyền viên đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển vận động chủ tàu hàng, tàu cá không neo đậu tàu thuyền tại các khu vực nguy hiểm và không ra khơi đánh bắt.

Các đồn Biên phòng Roòn, Cửa khẩu Cảng Gianh, Nhật Lệ bắn pháo hiệu báo bão đến khi bão tan.

Cùng với đó, lực lượng Biên phòng tỉnh, các đơn vị trực thuộc khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đồng thời, lực lượng Biên phòng sẵn sàng các phương án ứng phó bão và mưa lũ; chủ động lên phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có những diễn biến xấu của thời tiết; hỗ trợ, dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân.

Các đoàn cứu trợ tập trung đưa những mặt hàng thiết yếu đến vùng bị nước lũ cô lập ở các xã của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Các đồn Biên phòng trên hai tuyến biên giới cần tích cực bám nắm địa bàn, tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác ứng phó mưa bão; không chủ quan, lơ là trước mọi tình huống; bố trí lực lượng về các vùng xung yếu, nguy hiểm đặt biển cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại tại các khu vực dễ ngập lụt, sạt lở, sụt lún… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân.

Mặc khác, các đơn vị Biên phòng trên hai tuyến biên giới tiếp tục duy trì 8 tổ công tác cùng với phương tiện sẵn sàng ứng cứu tại các địa phương trọng điểm.

Các đơn vị cần chủ động trong vấn đề củng cố, bổ sung các loại vật tư, trang thiết bị, người và phương tiện sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân cũng như tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn khi cần./.

Thắng Trung-Võ Dung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuc-hien-nhiem-vu-kep-ung-pho-bao-va-khac-phuc-hau-qua-mua-lu/671089.vnp