Thực hiện nghiêm kiến nghị của thanh tra để xử lý dứt điểm sai phạm

Năm 2011, qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của nhiều tổ chức, cá nhân thuộc UBND TP Hồ Chí Minh. Nhưng đến giữa năm 2018, kết quả thực hiện kết luận thanh tra vẫn chưa xong, nhiều cán bộ đã không bị xử lý đúng pháp luật, hàng loạt sai phạm về quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất chưa được khắc phục.

Tiếp tục phát sinh thêm sai phạm trong quản lý nhà đất công liên quan đến cán bộ lãnh đạo của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NG

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc quy hoạch đô thị bị xé nát, nhà đất công là tài sản của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục bị chuyển nhượng, bán chỉ định, giao cấp sai pháp luật.

Nhiều công dân bị thu hồi nhà đất cho các dự án dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp tố vượt cấp với lý do quy hoạch đô thị khu vực phía Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã bị các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hồ Chí Minh tự ý điều chỉnh cục bộ. Việc làm này đã xé nát quy hoạch chung, nhiều doanh nghiệp sân sau đã được giao, cấp đất để kinh doanh bất động sản chồng lấn với khu vực nhà đất hiện hữu của người dân. Nhiều diện tích đất hạ tầng đô thị đã biến thành các dự án phân lô bán nhà, sông rạch bị san lấp, tạo ra hiện tượng ngập úng, ô nhiễm môi trường. Hàng loạt khu đất do Nhà nước quản lý cũng bị hóa thành dự án kinh doanh bất động sản của hàng chục doanh nghiệp tư nhân.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, TTCP đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất tại TP Hồ Chí Minh, trong đó, tập trung vào địa bàn quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, quận 2.

Ngày 27/10/2011, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 2889/KL-V.I về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất tại TP Hồ Chí Minh. Kiến nghị xử lý của TTCP đối với sai phạm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 8702/VPCP-KNTN ngày 6/12/2011. Vậy nhưng, đến thời điểm này, vẫn còn hàng loạt vấn đề chưa được các đối tượng thanh tra thực hiện nghiêm theo pháp luật, điển hình là khu đất 1.975m2 tại dự án (DA) bất động sản do Cty Cổ phần Sadeco làm chủ đầu tư tại phường Tân Phong, quận 7.

Nhưng điều bất thường là sai phạm của hàng loạt đối tượng thanh tra, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo của các cơ quan, sở ngành thuộc UBND TP Hồ Chí Minh đã không được xử lý nghiêm túc nên đã tạo ra tâm lý không sợ pháp luật khi tiếp tục chấp thuận cho chuyển nhượng các khu đất là tài sản Nhà nước cho tư nhân. Đỉnh điểm của vấn đề này là sai phạm trong chuyển nhượng 32ha đất là tài sản của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận tại DA khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, với mức giá rẻ đến không ngờ.

Khi báo chí lên tiếng và dư luận đề nghị có câu trả lời minh bạch về trách nhiệm của cán bộ sai phạm thì đầu tháng 5/2018, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì nhiều cuộc họp để làm rõ trắng đen. Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xác định rõ trách nhiệm của ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực khi chấp thuận chủ trương chuyển nhượng đất là không đúng thẩm quyền và chưa đúng quy định của pháp luật, không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy trước khi quyết định, thiếu kiểm tra việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của mình, việc chuyển nhượng theo Hợp đồng 203/HĐKT/2017 có nguy cơ gây thất thoát lớn cho Đảng bộ TP Hồ Chí Minh. Những sai phạm này đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo.

Khi câu chuyện sai phạm của ông Tất Thành Cang chưa được giải quyết dứt điểm thì qua báo cáo của TTCP tại Văn bản số 530/TTCP-GSTĐXLSTT ngày 16/4/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp tục yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề chưa thực hiện sau thanh tra.

Đó là việc điều chỉnh quy hoạch 8 khu chức năng so với quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch mạng lưới giáo dục, y tế… đã được phê duyệt tại Khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh. Là việc chấp hành quy định pháp luật trong phê duyệt DA cho Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nam, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc, Cty Lê Thành đối với phần đất giao ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và việc xử lý dự án xây dựng khu chung cư của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương chậm tiến độ.

Đáng chú ý là, vấn đề đất giao thông bị ăn bớt cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra khi có đến 17 dự án chồng lấn hành lang an toàn giao thông, trong đó có dự án của Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn, xây dựng hạ tầng kỹ thuật lấn đất xây dựng giao thông và công trình công cộng để làm nhà ở, chuyển nhượng đất chưa được giao. Việc giải quyết đối với các dự án không xây dựng, để trống tại lô 13A, 13B, 13C. Ngoài ra còn công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện của DA khu dân cư 6A của Công ty Him Lam làm chủ đầu tư, DA khu dân cư Hồ Ngọc Lãm của Công ty Cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã báo cáo về kết quả xử lý sau 7 năm kể từ khi TTCP có Kết luận số 2889/KL-V.I về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất là không xử lý được nhiều cá nhân sai phạm vì hết thời hiệu, hoặc cán bộ làm sai đã mất. Nhưng tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vẫn yêu cầu TTCP phải tiếp tục kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra đảm bảo khách quan, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Ngọc Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/sau-thanh-tra/thuc-hien-nghiem-kien-nghi-cua-thanh-tra-de-xu-ly-dut-diem-sai-pham_t114c1142n136684