Thực hiện Nghị quyết 88 trong ngành Giáo dục: Nỗ lực được ghi nhận

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) chia sẻ với Báo GD&TĐ về ấn tượng với kết quả bước đầu trong biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa.

Chủ động chuẩn bị và tập huấn đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình và SGK mới là bước đi quan trọng của ngành GD trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Chủ động chuẩn bị và tập huấn đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình và SGK mới là bước đi quan trọng của ngành GD trong thời gian qua. Ảnh minh họa

Đại biểu Đinh Thị Bình ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Nghị quyết 88).

Sách giáo khoa mới: Đánh giá tích cực từ cử tri

- Là Đại biểu Quốc hội công tác trong ngành Giáo dục, bà nhận định thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết 88 toàn ngành đạt được trong hơn 5 năm qua?

- Cử tri và nhân dân đánh giá tích cực về những kết quả đã đạt được trong hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Trọng tâm là việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua.

Việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông với nhiều điểm mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bộ GD&ĐT cùng các cấp, ngành đã tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều nội dung quan trọng, như: Công tác truyền thông, bồi dưỡng đội ngũ, rà soát bổ sung cơ sở vật chất, công tác biên soạn và xuất bản sách giáo khoa lớp 1, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương…

Mặc dù còn khó khăn hạn chế nhất định, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, ngành Giáo dục đã sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021. Đó là nỗ lực đáng được ghi nhận của ngành Giáo dục.

Giáo viên thảo luận chọn SGK. Ảnh minh họa/INT

- Theo Nghị quyết 88, thực hiện một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một số sách giáo khoa, khuyến khích xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản sách. Bà đánh giá thế nào về công tác triển khai của ngành Giáo dục?

- Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp. Trong điều kiện mới của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế, việc xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản sách giáo khoa là xu thế tiến bộ, có nhiều ưu điểm. Cán bộ, giáo viên và học sinh có cơ hội tiếp cận với nhiều bộ sách giáo khoa bảo đảm về chất lượng, đa dạng hình thức và cạnh tranh về giá.

Thực tế triển khai của ngành Giáo dục trong thời gian qua bước đầu cho thấy những kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà Bộ GD&ĐT cần hết sức lưu tâm, đó là việc bảo đảm có đủ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù đã có chương trình cung cấp sách giáo khoa cho thư viện trường học ở những vùng này nhưng nếu số sách được cấp không đủ nhu cầu sẽ gây khó khăn cho các nhà trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của học sinh.

Cần sự tham gia sâu rộng địa phương, các ngành liên quan

Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình.

- Là người trong ngành và lắng nghe ý kiến cử tri là cán bộ, giáo viên, bà có ghi nhận phản ánh về chất lượng và việc được chủ động chọn bộ sách phù hợp để giảng dạy?

- Thực tiễn triển khai công tác chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian qua cho thấy việc được chủ động lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với từng vùng miền, yêu cầu dạy học cũng như mức độ nhận thức của học sinh đã tạo tâm lý tích cực với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, phụ huynh.

Ở tỉnh Phú Thọ, với hai bộ sách giáo khoa lớp 1 đã được lựa chọn, hầu hết cán bộ quản lý và giáo viên đều có những đánh giá bước đầu rất tích cực. Các bộ sách đã bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung dạy học được xây dựng bảo đảm hướng tới mục tiêu cần đạt, hình thức đẹp.

Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn băn khoăn về hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện hiệu quả Chương trình, sách giáo khoa ở nhà trường. Bởi lẽ, nếu không bảo đảm cơ sở vật chất và thiết bị, việc triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Chặng đường tiếp theo còn nhiều việc cần phải thực hiện để tiếp tục triển khai Nghị quyết 88, theo bà đâu là việc cần ưu tiên?

- Theo Báo cáo số 298/BC-BGDĐT ngày 14/5/2020 của Bộ GD&ĐT gửi tới các Đại biểu Quốc hội, Bộ GD&ĐT nêu ra 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để tiếp tục triển khai Nghị quyết 88. Các nhóm giải pháp được nêu ra cần phải được thực hiện đồng bộ nhằm chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, có hai nhóm giải pháp quan trọng cần được ưu tiên thực hiện đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và bảo đảm cơ sở vật chất cho các nhà trường. Bởi lẽ, đây là hai yếu tố trực tiếp quyết định đến thành công của sự nghiệp đổi mới GD – ĐT.

- Để thực hiện thành công Nghị quyết 88, bên cạnh nỗ lực nội tại, ngành Giáo dục cần thêm những yếu tố nào?

- Đến thời điểm này, Nghị quyết 88 đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện thành công Nghị quyết, bên cạnh nỗ lực nội tại của ngành Giáo dục đòi hỏi sự tham gia sâu rộng của các cấp chính quyền, ngành có liên quan như: Nội vụ, Tài chính, Thông tin và truyền thông…

Một bài học kinh nghiệm quan trọng được đúc rút trong thời gian qua, nhất là từ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho thấy bất kỳ một chủ trương hay vấn đề nào của đất nước nếu nhận được sự đồng thuận của cử tri và nhân dân sẽ đạt kết quả như mong đợi.

Bởi vậy trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về quá trình thực hiện Nghị quyết 88 để cử tri và nhân dân đồng thuận, huy động tối đa sự tham gia của các cấp, ngành và toàn xã hội để thực hiện thành công Nghị quyết như kỳ vọng của Quốc hội và cử tri.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thuc-hien-nghi-quyet-88-trong-nganh-giao-duc-no-luc-duoc-ghi-nhan-20200529103617440.html