Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ: Quyết liệt giảm chi phí cho doanh nghiệp

Ngay ngày đầu năm 2021, Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả 'mục tiêu kép' vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đến nay, các bộ ngành, địa phương… đều ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.

Sản xuất thiết bị điện thông minh tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải.

Sản xuất thiết bị điện thông minh tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải.

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Cùng với phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Trong đó tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tại kế hoạch hành động, Bộ Tài chính đã đề ra nhóm nhiệm vụ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời (trong đó có các giải pháp tín dụng tài chính, ngân sách Nhà nước, thuế, phí, lệ phí, giá…) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, người lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không.
Với Bộ KH&ĐT, theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, biện pháp để ứng phó hiệu quả những biến động. Trong khi đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng hợp lý, hỗ trợ các DN xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.
Ở góc độ địa phương, nhiều tỉnh, TP đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, TP đã có chương trình hành động, xác định 25 chỉ tiêu chủ yếu và 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo, điều hành. 6 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 được Hà Nội xác định bao gồm: Kiểm soát dịch bệnh Covid-19; phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển Thủ đô; tập trung xử lý các vấn đề quy hoạch; thúc giải ngân đầu tư công, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; giải quyết căn bản các vấn đề dân sinh bức xúc.
TP tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát trển kinh tế; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng khoa học, đổi mới và sáng tạo. TP cũng đặt mục tiêu hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế mới: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm...
Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp
Để tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua kiên trì các giải pháp nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp: “Cạnh tranh bình đẳng”, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự", “Chi phí không chính thức", “Tiếp cận đất đai". Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển DN tư nhân. Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh: Hỗ trợ pháp lý, các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi (Chương trình kết nối Ngân hàng - DN), các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, công nghiệp hỗ trợ, khuyến công, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% cho các DN khó khăn tại các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, trang phục, chế biến gỗ, chế biến lương thực thực phẩm và DN có doanh thu sụt giảm lớn với kinh phí dự kiến hơn 4.000 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện việc đánh giá độc lập và công bố báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02, trong đó xác định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm và thời hạn hoàn thành, nhất là đối với các bộ chỉ số mà nhiều năm chúng ta chưa có tiến bộ, còn nhiều dư địa để cải cách như: Đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN; có kế hoạch tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ để triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, tận dụng thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính để tạo thuận lợi trong cung cấp dịch vụ công, tiết giảm chi phí cho người dân, DN.
Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là một điểm sáng ấn tượng về cải cách. Chính vì thế, đầu tư tư nhân luôn tăng trưởng ở mức từ 17 - 20% hàng năm, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Thế nhưng, như thế là chưa đủ. Trọng tâm của năm 2021 phải là các chương trình phục hồi với những gói kích thích kinh tế (chứ không còn là hỗ trợ). Nói cách khác, chúng ta sẽ cần xúc tiến những lĩnh vực mới, huy động thêm nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh năng động hơn. Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đình Cung, cần khắc phục một nhược điểm cố hữu đã được “điểm mặt chỉ tên” từ lâu là chia sẻ thông tin và phối hợp thực hiện chính sách. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, những lĩnh vực đòi hỏi càng nhiều sự phối hợp thì kết quả càng có khoảng cách với kỳ vọng.

Kết quả 2020 đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của DN và người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Việt Nam bước vào năm mới Tân Sửu 2021 trong một thời khắc đặc biệt nhất: Đất nước đang trong “thời chiến” – chống dịch như chống giặc, nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, chúng ta nhất định sẽ kiểm soát được đại dịch Covid-19 và chúng ta sẽ chiến thắng.
TS Nguyễn Minh Phong

Chính phủ vẫn cần phải quyết liệt giảm chi phí cho DN. Bên cạnh những yếu tố chi phí ngắn hạn như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, cắt giảm phí giao thông… cần tính đến giảm chi phí dài hạn, ví dụ như lãi suất vay dài hạn.
TS Nguyễn Đình Cung

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuc-hien-nghi-quyet-01nq-cp-va-nghi-quyet-02nq-cp-cua-chinh-phu-quyet-liet-giam-chi-phi-cho-doanh-nghiep-410260.html