Thực hiện ngay hồ sơ cho gạo thơm xuất khẩu sang EU năm 2021

Gạo thơm xuất khẩu sang EU đang rất thuận lợi. Để tận dụng tốt hạn ngạch năm 2021, doanh nghiệp cần làm hồ sơ cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm ngay từ bây giờ.

 Đặc sản gạo thơm sản xuất tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc sản gạo thơm sản xuất tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đã thực hiện gần hết hạn ngạch năm nay

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 103/2020/NĐ-CP “Quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu”, do Cục Trồng trọt tổ chức tại TP.HCM ngày 27/10, đại diện Cục Trồng trọt, cho biết, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đến nay, Cục đã cấp chứng nhận chủng loại gạo thơm cho khoảng 7.000 tấn gạo thơm xuất khẩu sang EU để được miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan.

Số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt hạn ngạch thuế quan xuất khẩu gạo thơm sang EU. Bởi trong năm nay, hạn ngạch thuế quan mà EU cấp cho Việt Nam là 7.500 tấn gạo thơm.

Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho thấy việc xuất khẩu gạo thơm theo hạn ngạch thuế quan sang EU đang rất thuận lợi. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết, đến nay, công ty đã xuất được khoảng 1.000 tấn gạo thơm sang EU. Ngoài thị trường Đức, Trung An đã mở rộng sang một số thị trường khác ở EU như Hà Lan, Pháp... Đại diện của Công ty Cổ phần Chế biến gạo Viễn Đông, cũng cho hay, công ty đã xuất khẩu khoảng gần 2.000 tấn gạo thơm sang EU.

Nhìn chung, tuy hạn ngạch gạo thơm mà EU cấp cho Việt Nam còn khá nhỏ, nhưng tiềm năng của thị trường này là rất lớn. Nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt hạn ngạch, tạo được uy tín và chỗ đứng cho gạo thơm Việt Nam trên thị trường EU, thì cơ hội để EU nâng mức hạn ngạch lên trong những năm sau này là không nhỏ.

Tuy nhiên, trong danh mục 9 chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan (Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VĐ 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Đào), có nhiều loại gạo hiện không còn được sản xuất phổ biến, khách hàng không còn ưa chuộng hoặc có vấn đề về chất lượng.

Đại diện của Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, cho biết, gạo Jasmine 85 đang bị xuống cấp về chất lượng, gạo OM 4900 và Tài nguyên Chợ Đào bị bạc bụng nên khách hàng nước ngoài không ưa chuộng… Do đó, cần đàm phán với EU để sửa đổi danh mục chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU theo hạn ngạch thuế quan, theo đó, nên đưa vào các chủng loại gạo thơm có chất lượng cao như Đài Thơm 8, ST 24, ST 25…

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, sở dĩ trong danh mục các chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU theo hạn ngạch thuế quan, hiện có những loại đã không còn được sản xuất nhiều hoặc khách hàng không còn ưa chuộng, là do danh mục này đã được xây dựng từ năm 2015, khi bắt đầu đàm phán với EU về hạn ngạch xuất khẩu gạo. Vì vậy, Cục đã gửi công văn đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có văn bản đề xuất các chủng loại gạo thơm mới cần được đưa vào danh sách này. Qua đó, Cục sẽ tổng hợp, đề nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ đàm phán với EU để sửa danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ.

Gạo thơm chất lượng cao RVT chế biến tại Đồng Tháp. Ảnh: LHV.

Doanh nghiệp phải làm hồ sơ ngay từ bây giờ

Theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP, trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2020, để được Cục Trồng trọt cấp Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi đơn đề nghị chứng nhận gạo thơm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với thông tin khai báo, hồ sơ chứng nhận, chứng nhận lại chủng loại gạo thơm.

Bắt đầu từ 1/1/2021, ngoài đơn đề nghị nói trên, doanh nghiệp còn phải cung cấp những giấy tờ khác như: Mẫu giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm được kê khai đầy đủ thông tin; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận chủng loại gạo thơm không đứng tên trong Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm thì phải cung cấp văn bản thỏa thuận chuyển giao Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa thơm.

Gạo thơm xuất khẩu đại đa số được sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này hiện đã bắt đầu xuống giống vụ đông xuân 2020-2021. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Như Cường, để kịp có Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm ngay sau ngày 1/1/2021 cho các lô hàng gạo thơm xuất khẩu sang EU theo hạn ngạch thuế quan trong năm 2021, các doanh nghiệp cần phải bắt tay ngay từ bây giờ nhằm thực hiện đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, nhất là Mẫu giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm và Biên bản kiểm tra lô ruộng lúa.

Bởi theo Nghị định 103/2020/NĐ-CP, để được cấp chứng nhận, gạo thơm phải được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thông tin rõ ràng về diện tích và địa điểm trồng; lô ruộng lúa thơm được kiểm tra phải đảm bảo độ thuần giống không nhỏ hơn 95%, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập Biên bản kiểm tra.

Thanh Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuc-hien-ngay-ho-so-cho-gao-thom-xuat-khau-sang-eu-nam-2021-d276242.html