Thực hiện nếp sống văn minh ở xã Hoằng Phú

Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) đã đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.

Lễ hội làng Phú Khê được tổ chức văn minh, tiết kiệm.

Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đi vào nền nếp, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp thôn, làng, các buổi sinh hoạt đoàn thể... Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung, quy định của việc thực hiện nếp sống mới, những quy ước, hương ước của địa phương về xây dựng đời sống văn hóa mới được nhân dân nắm bắt kịp thời và nghiêm túc thực hiện. Cùng với đó, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào hương ước, quy ước, là cơ sở bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa; tổ chức cho nhân dân đăng ký, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Với cách làm hay, nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Nhờ đó, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, tiết kiệm và vui tươi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, những giá trị truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát triển.

Theo đó, trong việc cưới, không có tình trạng tảo hôn, ép cưới. Nam nữ đều tự nguyện kết hôn, đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục hành chính. Một số thủ tục, nghi thức thách cưới rườm rà đã được loại bỏ, không tổ chức ăn uống linh đình, mở loa đài quá công suất. Các đám cưới được tổ chức trang trọng, lịch sự. Đối với việc tang, ở tất cả các làng đã xóa bỏ triệt để những tập tục lạc hậu như: Tổ chức ăn uống linh đình, mê tín dị đoan, mở trống kèn quá giờ quy định, khóc mướn, rải tiền, vàng mã trên đường đi. Việc mai táng được thực hiện theo quy hoạch của địa phương. Tiêu biểu như thôn Trịnh Thôn, thôn Phú Thượng 1, trước đây mỗi khi gia đình nào có người mất thì cả làng đến ăn cỗ trong 3 ngày, tình trạng khóc mướn và phát trên loa phóng thanh của thôn diễn ra khá phổ biến. Nhờ chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vào hương ước, quy ước của thôn, làng, đến nay, nhận thức của người dân được nâng cao, việc tang được tổ chức tiết kiệm, văn minh, loại bỏ những hủ tục, rườm rà.

Đồng chí Đinh Xuân Ánh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phú cho biết: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chính quyền và nhân dân địa phương nghiêm túc thực hiện. Trong 2 năm gần đây, 100% đám tang, đám cưới trên địa bàn đều thực hiện nghiêm túc theo nếp sống văn hóa. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Trong lễ hội chú trọng phần lễ nhằm tôn vinh các anh hùng dân tộc, thành hoàng làng để giáo dục truyền thống đoàn kết, xây dựng, bảo vệ đất nước cho nhân dân. Đồng thời, phần hội được tổ chức lành mạnh như: Tổ chức văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, không có hiện tượng lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, bói toán.

Để việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, xã Hoằng Phú đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong dân về việc thực hiện quy ước văn hóa và tăng cường giáo dục ý thức chấp hành quy ước, hương ước tại các thôn nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người; tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Bài và ảnh: Thế sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/thuc-hien-nep-song-van-minh-o-xa-hoang-phu/97816.htm