Thực hiện kiểm tra thực tế, lấy mẫu phân tích tất cả lô hàng phế liệu NK

Đó là một phần nội dung được Tổng cục Hải quan hướng cục hải quan các tỉnh, thành phố trong quản lý phế liệu NK từ nước ngoài vào Việt Nam được nêu tại Công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018.

Công chức Hải quan lấy mẫu phế liệu NK tại hiện trường. Ảnh: H.Nụ

Theo Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan kiểm tra thực tế, lấy mẫu phân tích hàng hóa đối với tất cả các lô hàng khai báo là phế liệu NK. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan cửa NK theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong trường hợp DN đăng ký tờ khai NK tại chi cục hải quan khác chi cục hải quan cửa khẩu NK thì chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo bằng văn bản/điện fax cho chi cục hải quan cửa khẩu nhập phối hợp với chi cục kiểm định hải quan (Cục Kiểm định hải quan) phụ trách tại địa bàn để thực hiện kiểm tra thực tế và lấy mẫu. Tuy nhiên, nếu tại cửa khẩu nhập có lắp đặt hệ thống camera giám sát thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa phải thực hiện tại khu vực có camera giám sát.

Trước khi xuất trình hàng hóa để kiểm tra và lấy mẫu đại diện, người khai hải quan phải thông báo bằng văn bản hoặc thông báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cho chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa và tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định về thời gian và địa điểm kiểm tra, lấy mẫu.

Ngay sau khi nhận được thông báo của người khai hải quan về việc xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế và lấy mẫu, chi cục hải quan cửa khẩu nhập nơi lưu giữ hàng hóa lập phiếu yêu cầu kiểm định gửi trực tiếp hoặc điện fax đến chi cục kiểm định hải quan phụ trách tại địa bàn (theo mẫu số 01/PYCKĐ/2018 ban hành kèm theo Công văn số 4202/TCHQ-PC).

Chi cục kiểm định hải quan phụ trách tại địa bàn sau khi nhận được phiếu yêu cầu hoặc điện fax thì cử cán bộ cùng các trang thiết bị kỹ thuật tham gia phối hợp cùng tiến hành kiểm tra và lấy mẫu. Trong đó, chi cục kiểm định hải quan phụ trách tại địa bàn chỉ tiến hành kiểm định đối với hàng hóa đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Việc kiểm tra xác định tính chính xác giữa nội dung khai hải quan và thực tế hàng hóa NK được thực hiện bởi công chức hải quan của chi cục hải quan cửa khẩu nhập và cán bộ kiểm định của chi cục kiểm định hải quan.

Khi kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường và các thiết bị phân tích tại hiện trường, nếu có đủ cơ sở xác định lô hàng phế liệu NK không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường thì xử lý theo quy định.

Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường không quá 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa, trường hợp hàng hóa có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì thời gian kiểm tra thực tế không quá 2 ngày làm việc. Đối với trường hợp phải phân tích, đánh giá các tiêu chí để xác định phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại phòng thí nghiệm, Cục Kiểm định hải quan/chi cục kiểm định hải quan có thể trưng cầu các tổ chức chứng nhận phù hợp được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định đối với các tiêu chí chưa đủ năng lực để làm cơ sở thông báo kết quả kiểm tra.

Ngoài ra nếu kiểm tra tại hiện trường không xác định được lô hàng phế liệu NK đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường thì chi cục hải quan cửa khẩu và chi cục kiểm định hải quan phối hợp thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để thực hiện phân tích đánh giá. Việc lấy mẫu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 43/2010/TT-BTNMT.

Trong đó, việc kiểm tra thực tế và lấy mẫu của chi cục hải quan cửa khẩu và chi cục kiểm định hải quan được thực hiện cùng thời điểm lấy mẫu của tổ chức chứng nhận sự phù hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.

Trong quá trình kiểm tra thực tế và lấy mẫu đại diện, công chức hải quan giám sát việc lấy mẫu phải chụp ảnh các vị trí kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa NK, ghi hình toàn bộ quá trình kiểm tra, lấy mẫu từ khi bắt đầu mở container (đối với hàng hóa đóng trong container) hoặc bắt đầu kiểm tra đối với hàng rời cho đến khi kết thúc việc kiểm tra, lấy mẫu.

Đối với những lô hàng có thời gian kiểm tra kéo dài thì chỉ ghi những hình ảnh phản ánh được nội dung, phương pháp kiểm tra, thực tế hàng hóa để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện. Hình ảnh chụp các vị trí kiểm tra, lấy mẫu gửi về hòm thư thanhtra@customs.gov.vn, phim ghi hình quá trình kiểm tra, lấy mẫu lưu hồ sơ tại chi cục hải quan cửa khẩu để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện.

Kết thúc việc kiểm tra thực tế, công chức kiểm tra thực tế lập phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu số 06/PGKQKT/GSQL ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018). Công chức kiểm tra của chi cục hải quan cửa khẩu và cán bộ kiểm định của chi cục kiểm định hải quan ký xác nhận tại ô số 4 phần kiểm tra thủ công, mục II trên Phiếu ghi kết quả kiểm tra.

Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục tại Quyết định 73/2014/QĐ-TTg nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan Hải quan xác định không đủ cơ sở để xem xét thông quan.

Đối với trường hợp phải lấy mẫu đại diện, kết thúc việc lấy mẫu, công chức kiểm tra lập biên bản chứng nhận việc lấy mẫu (theo mẫu số 02/BBLM-PL ban hành kèm theo Công văn số 4202/TCHQ-PC) có xác nhận của người khai hải quan, công chức hải quan chi cục hải quan cửa khẩu, cán bộ chi cục kiểm định hải quan và người đại diện tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Nội dung biên bản chứng nhận việc lấy mẫu phải ghi rõ thời gian lấy mẫu, vị trí lấy mẫu (vị trí cụ thể trong container hoặc trong lô hàng), phương pháp lấy mẫu và số lượng mẫu (số lượng mẫu và trọng lượng mẫu đúng theo quy định tại Thông tư 43/2010/TT-BTNMT), số hiệu container hoặc phương tiện vận chuyển hàng hóa là phế liệu.

Sau khi lấy mẫu, công chức hải quan niêm phong mẫu, 1 mẫu bàn giao cho chi cục kiểm định hải quan để thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường; 1 mẫu bàn giao cho tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; 1 mẫu lưu tại chi cục hải quan cửa khẩu. Thời gian lưu mẫu thực hiện theo quy định tại Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính.

Sau khi chi cục kiểm định hải quan cho ra kết quả kiểm tra xác định phế liệu NK đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường sẽ thực hiện tiếp thủ tục hải quan theo quy định. Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm tra xác định lô hàng phế liệu NK không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường thì xử lý theo quy định.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, đối với hàng hóa khai là hàng hóa đã qua sử dụng nhưng có đặc trưng của phế liệu, cơ quan Hải quan cũng sẽ thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa với tất cả các lô hàng. Trường hợp Hệ thống VNACCS/VCIS không phân luồng đỏ thì thực hiện chuyển luồng để thực hiện kiểm tra thực tế.

Khi xuất trình hàng hóa để kiểm tra và lấy mẫu đại diện, người khai hải quan phải thông báo bằng văn bản hoặc thông báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia cho chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa về thời gian và địa điểm kiểm tra, lấy mẫu. Ngay sau khi nhận được thông báo của người khai hải quan về việc xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế và lấy mẫu, chi cục hải quan cửa khẩu nhập nơi lưu giữ hàng hóa lập phiếu yêu cầu kiểm định gửi trực tiếp hoặc điện fax đến chi cục kiểm định hải quan phụ trách tại địa bàn. Chi cục kiểm định hải quan khi nhận được phiếu yêu cầu hoặc điện fax sẽ cử cán bộ cùng các trang thiết bị kỹ thuật tham gia phối hợp cùng tiến hành kiểm tra và lấy mẫu.

Quá trình kiểm tra lấy mẫu, cán bộ xác định được hàng hóa NK là hàng hóa đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng hóa cấm NK được quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, lô hàng đó sẽ được thực hiện xử lý vi phạm theo quy định. Trong trường hợp được xác định là chất thải theo quy định tại Khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường cũng sẽ thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.

Tuy nhiên, đối với trường hợp kiểm tra hàng hóa thực tế là hàng đã qua sử dụng mà người khai hải quan khai báo được sử dụng làm nguyên liệu của quá trình sản xuất thì thực hiện kiểm tra theo các quy định đã được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Mục III Công văn 4202/TCHQ-PC.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-hien-kiem-tra-thuc-te-lay-mau-phan-tich-tat-ca-lo-hang-phe-lieu-nk.aspx