Thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng tỉnh giao: Nơi nỗ lực, chỗ 'thong dong'

Để hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, ngay từ những ngày đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về việc tăng cường công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án có sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, từng địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể kế hoạch GPMB trong năm 2019 trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư trên địa bàn. Việc GPMB được coi là nhiệm vụ chính trị của các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các địa phương. Tuy nhiên, sau gần nửa năm thực hiện kế hoạch của Chủ tịch UBND tỉnh, ở nhiều nơi, việc GPMB chậm chạp, thiếu hiệu quả khiến nhiều dự án chậm tiến độ, một số dự án còn gần như dậm chân tại chỗ.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Dự án đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn (Tĩnh Gia) vẫn chậm tiến độ sau nhiều năm triển khai.

Theo kế hoạch, trong năm 2019, các địa phương trong tỉnh phải GPMB 5.838,72 ha đất để thực hiện tổng cộng 2.183 dự án; trong đó, có nhiều dự án được chuyển tiếp từ những năm trước chưa hoàn thành. Để nhìn lại quá trình gần nửa năm các địa phương thực hiện công tác GPMB theo tinh thần của Kế hoạch 31/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có tổng hợp mới nhất các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ này. Theo đó, tính đến ngày 15-5, toàn tỉnh mới GPMB được 546,76 ha, chỉ tương đương 9,36% kế hoạch GPMB cả năm 2019, trong khi thời gian thực hiện đã gần nửa năm. Với các dự án thu hồi đất được thực hiện bởi các nguồn vốn Trung ương và địa phương, hiện mới GPMB được 7,41% diện tích theo kế hoạch.

Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương đã triển khai kế hoạch GPMB một cách nghiêm túc; đã tổ chức rà soát và xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo và các phòng, đơn vị liên quan, có sự quyết tâm chính trị cao trong thực hiện nên đã thu hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các đơn vị có khối lượng GPMB tốt, như: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Nông Cống, Hoằng Hóa, Như Thanh, Như Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa và Cẩm Thủy. Khảo sát tại TP Thanh Hóa, trong năm 2019, trên địa bàn có 99 dự án trong diện thu hồi đất được triển khai theo kế hoạch với tổng diện tích cần GPMB lên gần 179 ha. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, đã có hơn 61 ha hoàn thành và chi trả bồi thường GPMB, đang đo đạc kiểm kê và lập phương án bồi thường diện tích còn lại. Tại huyện Nông Cống, trong Kế hoạch số 31/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh giao GPMB cho 56 dự án thu hồi đất trong năm 2019 với tổng diện tích gần 428 ha. Đến giữa tháng 5, huyện đã hoàn thành và chi trả bồi thường GPMB gần 108 ha, gần 190 ha khác đang được đo đạc kiểm kê và lập phương án bồi thường trong thời gian tới. Có thể nói, những địa phương có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo và cả hệ thống chính trị thì tiến độ GPMB nhanh, hiệu quả.

Tuy nhiên ở nhiều nơi, tiến độ GPMB để triển khai các dự án khá chậm, thiếu hiệu quả. Các địa phương như huyện Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn có số dự án lớn trong tình trạng chậm GPMB. Nhiều dự án tuy đã được UBND tỉnh thông báo kết luận và có sự đốc thúc, song vẫn chậm tiến độ. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Dự án đường ven biển thuộc huyện Quảng Xương và TP Sầm Sơn; các dự án trên địa bàn huyện Tĩnh Gia: Đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn, Dự án đường Bắc Nam 2 từ Quốc lộ 1A xã Xuân Lâm đến đường Đông Tây 1, cầu vượt nút giao giữa Quốc lộ 1A với đường Nghi Sơn – Bãi Trành...

Qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngoài một số nguyên nhân khách quan thì thực trạng chậm GPMB gây ảnh hưởng tiến độ ở nhiều dự án có các nguyên nhân chủ quan. Đầu tiên là chưa có sự quyết liệt cũng như chưa có sự phối hợp trong giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; cưỡng chế thu hồi đất. Điển hình trong số đó phải kể đến dự án đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn và nhiều dự án đường giao thông tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Một nguyên nhân khác là nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí tái định cư, dẫn đến người dân trong diện GPMB chưa đồng thuận, hoặc điều kiện nơi ở mới chưa bảo đảm nên chưa thể tổ chức di dời các hộ đến nơi ở mới. Tại một số khu tái định cư đang được triển khai xây dựng hạ tầng, chính việc chậm trễ của các nhà thầu thi công đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, dẫn đến chưa thể bàn giao nơi tái định cư cho các hộ nhường đất tại các dự án. Tất cả sự chậm trễ đều ít nhiều liên quan đến công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các địa phương. Nếu cứ “thong dong” trong GPMB các dự án, thời gian còn lại của năm 2019 khó có thể đủ để các địa phương hoàn thành 100% diện tích GPMB theo Kế hoạch số 31/KH-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuc-hien-ke-hoach-giai-phong-mat-bang-tinh-giao-noi-no-luc-cho-thong-dong/101825.htm