Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn

Người tiêu dùng nên sử dụng các loại thực phẩm khác giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, đồng thời không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Tùng Đinh.

Thưa Bộ trưởng, sau cam kết tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn đã đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4. Tuy nhiên, giá lợn thực tế ngoài thị trường vẫn ở mức cao. Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của tình trạng này và những giải pháp mà Bộ sẽ thực hiện để có thể giảm được giá lợn mà chúng ta muốn?

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại đàn lợn 20% về số lượng, 9,3% về khối lượng. Đây là một thiệt hại rất lớn, không chỉ đối người chăn nuôi mà còn gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới thị trường thịt lợn trong nước.

Có thể khẳng định, dịch bệnh gây thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân thứ nhất khiến giá thịt lợn tăng. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành; trong đó đặc biệt là Bộ NN-PTNT kết hợp cùng các địa phương tập trung giải quyết vấn đề gốc rễ là tái đàn.

Đến tháng 10 năm 2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn.

Việc tái đàn lợn tại các địa phương đã có những kết quả rất khả quan. Đến hết quý I/năm 2020 tổng đàn lợn cả nước so với tháng 12/2019 chúng ta đã tăng được 6,3% về số đàn. Cụ thể, đến cuối tháng 3, số đầu lợn của nước ta là 24 triệu con.

Với đà này, chúng tôi nhận định đến quý III và đầu quý IV, chúng ta sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Nguyên nhân việc giá lợn quá cao trong thời gian qua là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Trước khi có dịch, cả nước mỗi quý cần tới 910.000 tấn, trong khi vừa qua mới đạt từ 820.000 - 830.000 tấn và phải đến quý IV mới đạt được sản lượng đó. Bên cạnh đó là giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong quá trình sản xuất.

Vừa qua, 15 doanh nghiệp đồng hành từ 1/4/2020 đưa giá lợn xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg, nhưng vì số lượng lợn ở những doanh nghiệp này chưa đủ dẫn đến chưa đủ sức chi phối. Cùng với đó là còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội cùng với người nông dân để tăng đàn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành như: Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, các địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian giữa các khâu sản xuất, đến khâu chế biến, đến người tiêu dùng ngắn nhất thì mới có thể giảm giá phù hợp.

Một giải pháp nữa là tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, chúng ta cũng cần hướng dẫn người tiêu dùng, lựa chọn những loại thực phẩm khác như trứng, gia cầm, thủy sản… Người tiêu dùng cũng nên sử dụng các loại thực phẩm khác để vừa có lợi cho sức khỏe, vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, đồng thời không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.

Khi chúng ta triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thì tôi tin tưởng chúng ta sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho người dân và giá cả cũng phù hợp với các đối tượng, kể cả người chăn nuôi, người làm dịch vụ, người tiêu dùng.

Dự báo tới đây tốc độ tăng đàn lợn sẽ rất nhanh. Ảnh: TL.

Bộ trưởng có đánh giá gì về tốc độ tái đàn trong thời gian vừa qua và liệu tốc độ này có tăng lên nhiều hơn trong thời gian tới?

Về tổng thế chung, tốc độ tái đàn lợn quý I đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 đơn vị sản xuất lớn của chúng ta thì tốc độ lên tới 17%. Dự báo tới đây thì tốc độ tăng đàn sẽ rất nhanh. Bởi, chúng ta vẫ giữ được cái đàn lợn giống gốc, đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện nay là 109.000 con. Và đến giờ phút này chúng ta vẫn còn xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái.

Ngành Nông nghiệp cũng đã tổng kết được quy trình an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng: nhóm chăn nuôi lớn có một quy trình an toàn sinh học và nhóm chăn nuôi nhỏ chúng ta cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn kỹ cho nông dân. Đây là những tiền đề rất tốt, cộng với những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như hệ thống sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… thì đàn lợn sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh. Dự báo cuối quý III, đầu quý 4 chúng ta sẽ có được số lượng cao nhất bằng thời kỳ trước khi bị dịch.

Nhiều địa phương đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, Bộ trưởng có khuyến cáo gì đối với các tỉnh trong việc tái đàn?

Chúng tôi khuyến nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho đối tượng chăn nuôi nhưng đặc biệt chú ý là bà con nông dân sản xuất nhỏ được tiếp cận các nguồn lực.

Hiện giá giống cao, việc tiếp cận với chính sách tín dụng thế nào để cho điều kiện để tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người sản xuất nhỏ. Đối tượng này rất cần được quan tâm, bởi vốn trước kia bị thiệt hại do dịch bệnh, bây giờ muốn tái đàn lại không có con giống, không có vốn. Chính điểm này cần phải tập trung mọi điều kiện cho các đối tượng sản xuất nhỏ, bà con nông dân có điều kiện để vừa tạo sinh kế nhưng vừa góp phần bù đắp những thiệt hại trước đây.

Về cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ chăn nuôi đến từ thú y cấp tỉnh phải vào cuộc tăng cường hướng dẫn, không thể vì tăng đàn mà gặp lại rủi ro bệnh tật tái phát.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

QUANG DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuc-hien-dong-bo-nhieu-giai-phap-dam-bao-nguon-cung-thit-lon-d261941.html