Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao

Các dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 được thực hiện đúng đối tượng; các chương trình, dự án khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn được triển khai có hiệu quả; bố trí ổn định dân cư phù hợp với điều kiện thực tế vùng thiên tai; các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiếp tục được quan tâm hỗ trợ... Đó là những kết quả nổi bật mà Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã đạt được trong năm vừa qua.

 Đồng chí Dương Văn Toản, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (thứ hai từ phải sang) kiểm tra sản xuất tại Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương)

Đồng chí Dương Văn Toản, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (thứ hai từ phải sang) kiểm tra sản xuất tại Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương)

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong năm 2020, thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt 70 dự án với sự tham gia, hưởng lợi của trên 2.530 hộ dân. Theo đó, bà con đã được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản chế biến nông sản. Đối với nguồn vốn giao đợt 2, Chi cục cũng đã tham mưu trình UBND tỉnh thông qua 37 dự án với 1.413 hộ tham gia hưởng lợi.

Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Chi cục đã tổ chức 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng các chức danh chủ chốt của các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp; thực hiện 12 lớp tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể; 22 lớp tập tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho thành viên hợp tác xã. Nhờ vậy, trong năm, đã có 337/382 HTX củng cố về tổ chức quản lý, mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, máy móc vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị và quan tâm xây dựng thương hiệu. Năm qua, UBND tỉnh đã công nhận 11 làng nghề chè, nâng tổng số làng nghề được công nhận là 263 làng nghề. Doanh thu bình quân của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề đạt khoảng 150 tỷ đồng; thu nhập của người lao động đạt bình quân 3,9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã tổ chức được 51 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng số 1.530 người tham gia. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình hạ tầng nông thôn phục vụ công tác bố trí ổn định dân cư; hoàn thiện 5 công trình giao thông chuyển tiếp và 6 công trình khởi công mới.

Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021, đồng chí Dương Văn Toản, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn chia sẻ: Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; phối hợp với UBND các huyện tăng cường đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135 đảm bảo mục tiêu, tiến độ và hiệu quả. Thực hiện đa dạng hóa, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo nghề tại nơi sản xuất theo các mô hình thí điểm gắn với liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa bàn các xã để tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần dựng nông thôn mới...

L.H

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/thuc-hien-dong-bo-hieu-qua-cac-nhiem-vu-duoc-giao-281374-108.html