Thực hiện đồng bộ các giải pháp 'không hối tiếc'

Để phát triển bền vững ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ giải pháp công trình và phi công trình, theo nguyên tắc 'không hối tiếc'.

Trong đó, cần có những công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. Bán đảo Cà Mau có diện tích khoảng 1,6 triệu ha, là vùng đất cực nam ĐBSCL, trải dài trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, một phần tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ. Vùng bán đảo này có 2 mặt tiếp giáp với cả biển Đông và biển Tây nên chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xâm nhập mặn là thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội tốt để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản nước lợ.

Khí hậu ĐBSCL với hai mùa mưa, nắng, tạo ra hai mùa nước sông ngọt – mặn. Những tháng mùa mưa, nguồn nước ngọt dồi dào, đẩy mặn ra biển, thích hợp cho sản xuất lúa, nuôi thủy sản nước ngọt. Những tháng khô, hạn, nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng, thích hợp nuôi thủy sản nước lợ, nhất là nuôi tôm.

Bên cạnh giải pháp cơ cơ cấu mùa vụ, chọn cây con hợp lý thì bán đảo Cà Mau rất cần những công trình thủy lợi lớn, nhằm điều tiết mặn, ngọt hợp lý cho cả vùng hoặc liên vùng để phát triển sản xuất hiệu quả. Điển hình là hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, được triển khai thực hiện tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Hệ thống gồm cống điều tiết mặn, ngọt Cái Lớn, Cái Bé và đê nối với quốc lộ 61, với tổng vốn đầu tư hơn 3.309 tỷ đồng.

Sau khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được xây dựng, đi vào vận hành, sẽ giảm ảnh hưởng của thủy triều từ phía biển Tây nên ranh giới giáp nước dịch chuyển về phía biển Tây, tăng cường khả năng tiêu chua, thoát lũ, cấp nước ngọt cho vùng ven biển.

 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công trình Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Đ.T. Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công trình Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: Đ.T. Chánh.

Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thực hiện quy hoạch phát triển ĐBSCL, từ lâu đã đặt ra việc cần thiết phải xây dựng công trình thủy lợi để kiểm soát, điều tiết nguồn nước trên dòng sông Cái Lớn, Cái Bé. Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt thực hiện dự án (năm 2017), các đơn vị liên quan đã đẩy quá trình thi công, sớm đưa công trình vào vận hành.

Đây là hệ thống công trình được xây dựng nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên. Vùng hưởng lợi của dự án trải rộng liên tỉnh, với diện tích tự nhiên trên 384 ngàn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là hơn 346 ngàn ha. Ngoài ra, công trình còn kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng… Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là một trong những tỉnh dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, do có hệ thống sông, ngòi chằng chịt và trên 200 km đê biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều biển Tây. Vì vậy, việc triển khai xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé là rất cần thiết, không chỉ cho riêng Kiên Giang mà còn có tác động liên tỉnh, gồm cả Hậu Giang, Bạc Liêu…

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành, các hộ dân vùng hưởng lợi cần chuyển đổi phương thức sản xuất thích hợp, để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai thực hiện hỗ trợ các mô hình sinh kế cho người dân trong vùng.

Đ.T.CHÁNH – LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-khong-hoi-tiec-d273806.html