Thực hiện dịch vụ công trực tuyến quốc gia: Quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến 'Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích cho doanh nghiệp' do Văn phòng Chính phủ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều 12/06.

Tiết kiệm hơn 6.400 tỷ đồng từ dịch vụ công trực tuyến

Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã có sự chuyển đổi lớn về phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa và phi giấy tờ. Tháng 12/2019, mới chỉ có 8 dịch vụ công được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, đến nay đã có 518 dịch vụ được thực hiện trực tuyến. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, việc giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia càng được đẩy mạnh.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Tính đến ngày 11/06, đã có 42,5 triệu lượt người truy cập trên 164 nghìn tài khoản đăng ký 1 lần, trong đó 1.729 tài khoản của doanh nghiệp (DN); Hỗ trợ trên 13,4 nghìn cuộc gọi điện thoại cho DN và tích hợp cung cấp 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ công cho DN, còn lại là các dịch vụ công phục vụ người dân. Một số nhóm thủ tục có tần suất thực hiện lớn và phục vụ hiệu quả cho DN là nhóm thủ tục về đăng ký, thông báo khuyến mại; nhóm thủ tục về chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O, nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, thủ tục liên quan đến bảo hiểm, thuế… Thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cả nước đã tiết kiệm được 6.490 tỷ đồng, trong đó riêng Cổng Dịch vụ công đóng góp 3.036 tỷ đồng.

Vẫn còn vướng mắc trong quá trình thực hiện

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc thay đổi sang dịch vụ công là xu thế tất yếu. Song chúng ta xây dựng đường cao tốc, nhưng lại chưa có đường dẫn. Chính vì vậy, ngành dệt may cũng đang gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện. Dẫn ví dụ cụ thể, ông Giang cho biết, hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị giải quyết khó khăn trong ngành dệt may, song có những văn bản 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị ngành gỗ lại đang rất khó trong việc tiếp cận cơ sở dữ liệu. Ông Phương giải thích, sau dịch Covid chúng ta nói đến cơ hội để chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam nhưng lợi thế nào cho DN Việt và làm thế nào để giành lợi thế cho DN Việt… thì cần phải có dữ liệu. Song hiện để tiếp cận được dữ liệu thì rất khó khăn, bản thân hiệp hội chỉ có nguồn dữ liệu từ hải quan, và rất khó có hình dung cụ thể về nguồn lực của toàn ngành.

Doanh nghiệp và người dân sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công quốc gia

Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, đặc thù của ngành gỗ là chế biến, xuất khẩu sang các thị trường lớn. Thời gian qua, các DN ngành gỗ đã thiệt hại khoảng 38 triệu USD do thiếu thông tin về khách hàng và thị trường. Ông Thanh cho rằng Cổng Dịch vụ công quốc gia cần cập nhật thường xuyên rất cần các thông tin về thị trường.

Cần thực hiện xuyên suốt và đồng bộ

Theo ông Vũ Đức Giang, để việc thực hiện cổng dịch vụ công đạt được hiệu quả cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng xuyên suốt và đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, địa phương, Cục hải quan, thuế. Nâng cao nhận thức của cán bộ công quyền từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời phải có khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện thông tin điện tử theo từng quý, để đưa ra những giải pháp cụ thể và dài hạn.

“Thực tế hiện nay, DN vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi đó, bản thân những DN này không đủ nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, máy móc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để tham gia. Do đó, cần có khảo sát đưa ra cơ chế để tạo điều kiện cho những DN này tham gia vào hệ thống. Ngoài ra, công tác truyền thông cần nhân rộng, truyền thông sâu và giải pháp cho từng ngành, từng DN một cách trách nhiệm”, ông Giang đề xuất.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, để cổng thông tin điện tử sống được thì cần phải có 1 cơ sở dữ liệu rất lớn. Do đó, thời gian tới, hiệp hội sẽ cố gắng tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu riêng của ngành để có thể đưa ra chiến lược đúng đắn, đóng góp vào sự phát triển chung của Cổng Dịch vụ công. “Ngành gỗ cũng sẽ có những thủ tục nên hi vọng mọi thứ sẽ được tích hợp lên cổng dịch vụ công để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Phương bày tỏ.

Mặc dù việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp DN tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí song trên thực tế hiện nay, lượng DN tham gia vẫn chưa nhiều. Cụ thể, trong số 166.352 tài khoản đăng ký dử dụng dịch vụ công một lần chỉ có 1.763 tài khoản là của các DN, chiếm chưa tới 1%.

Hà Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-hien-dich-vu-cong-truc-tuyen-quoc-gia-quan-trong-nhat-la-co-so-du-lieu-138855.html