Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Sau tháng đầu tiên (10/8 - 10/9) đồng loạt triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 cấp phường, nhiều quận đạt kết quả khả quan, nhưng tại một số quận như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa..., kết quả còn khiêm tốn.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, các đơn vị này đã có biện pháp khắc phục, dù đến thời điểm này, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ đã tăng, song trên thực tế vẫn cần cởi gỡ những “nút thắt” cả về phía chủ quan và khách quan...

Chuyển biến tích cực

Nếu trong tháng đầu thực hiện, bộ phận Một cửa (BPMC) phường Bách Khoa chỉ tiếp nhận 1 trường hợp đăng ký khai sinh trực tuyến thì đến giữa tháng 10, đã có 8 hồ sơ được nhận online, đạt trên 70% tổng hồ sơ đăng ký khai sinh. Việc thực hiện DVCTT mức độ 3 được người dân đánh giá cao, không còn hồ sơ trả quá hạn. Tại phường Đống Mác, tỷ lệ hồ sơ đăng ký khai sinh trực tuyến tại thời điểm này cũng đạt 80%. Nếu trong tháng đầu, còn một số hồ sơ được cán bộ nhận trực tiếp từ công dân tại BPMC thì tháng thứ hai, 100% hồ sơ đã được nộp qua phần mềm một cửa (ngay tại nhà hoặc sử dụng máy tính tại BPMC).

Hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

Bách Khoa, Đống Mác cùng 18 phường khác của quận Hai Bà Trưng gần một tháng qua đã chuyển biến rõ nét trong thực hiện DVCTT mức độ 3 khi giải quyết TTHC về khai sinh, khai tử và liên thông “3 trong 1” (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi. Theo Phòng Tư pháp quận, từ 10/8 - 13/10 tại 20 phường đã tiếp nhận 236 hồ sơ nộp trực tuyến, đạt 51% tổng hồ sơ hành chính được tiếp nhận trong các lĩnh vực này. Tỷ lệ đó tính riêng trong tháng đầu mới đạt 25%, thậm chí một số phường chưa nhận hồ sơ trực tuyến nào thì trong tháng sau, nhiều phường đã đạt 100% hồ sơ trực tuyến như Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy, Đống Mác, Đồng Tâm…, trong đó có những công dân nộp online tại nhà.

Theo khảo sát, việc tuyên truyền thời gian đầu còn hạn chế nên người dân chưa biết nhiều đến dịch vụ mới này. Tuy nhiên gần đây, hiệu quả tuyên truyền, vận động của cán bộ phường, đoàn thanh niên, tổ trưởng dân phố… đã “ngấm” dần.

Tại quận Đống Đa, cùng với tăng cường tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư, UBND quận gần đây đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện DVCTT tại 21 phường để kịp thời nắm bắt bất cập nảy sinh tại cơ sở. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký khai sinh trực tuyến trong tổng số hồ sơ tiếp nhận tại BPMC các phường đã tăng từ 27% (trong tháng 9) lên gần 30% tại thời điểm giữa tháng 10. Đáng biểu dương tại 2 phường Khâm Thiên và Trung Liệt, tất cả hồ sơ đăng ký khai sinh đều được nộp trực tuyến.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình thừa nhận: Thời gian đầu, do người đứng đầu thiếu quyết liệt và ý thức trách nhiệm của công chức BPMC nên kết quả tại một số phường chưa cao. Các tổ hỗ trợ không trực thường xuyên tại BPMC nên công dân đến không có người giới thiệu, trợ giúp. UBND quận đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng đúng là chưa kiểm tra sát sao. Rút kinh nghiệm nên từ cuối tháng 9 đến nay, lãnh đạo quận và các phòng chuyên môn chỉ đạo, theo dõi kết quả theo từng ngày, nhất là với những phường đạt thấp. Các phường đã bố trí “cây thông tin” hỗ trợ công dân, tăng tuyên truyền, cử cán bộ thay nhau và nhiều phường huy động thêm thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Với quyết tâm này, tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3 tại Ba Đình đã tăng từ 23% (đăng ký khai sinh) và 15% (khai tử) trong tháng đầu thực hiện lên gần 78% và 56% trong nửa tháng 10. Trong đó, có những phường đạt 100% đăng ký khai sinh trực tuyến là Liễu Giai, Ngọc Khánh và 100% đăng ký khai tử trực tuyến là Cống Vị, Ngọc Khánh, Quán Thánh, Trúc Bạch, Vĩnh Phúc, Đội Cấn.

Thực hiện không phải để đối phó, lấy thành tích

Được hỏi vì sao tỷ lệ thực hiện DVCTT tại quận còn thấp, Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh cho rằng, nhận thức của công dân chính là một trong các rào cản. Cụ già 80 tuổi không thể tự thực hiện trên máy tính, nên cán bộ phải làm giúp. Các phường đều cố gắng khắc phục khó khăn, phường Trung Liệt còn linh hoạt đặt một Ipad để cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân, nhưng nhiều người vẫn không đồng ý nộp online. Nhất là một số phường có đặc thù nhiều người lao động kinh doanh tự do, nên nhận thức và trình độ ứng dụng CNTT hạn chế, khiến kết quả tuyên truyền khó đạt như ý.

Đồng quan điểm này, đại diện UBND quận Ba Đình chia sẻ: Là chính quyền phục vụ nên không thể bắt buộc mà chỉ vận động, tuyên truyền, còn sử dụng DVCTT hay không là quyền của công dân. Tuy nhiên, UBND quận xác định vẫn phải nỗ lực tối đa để đạt kết quả cao hơn, sẽ chỉ đạo các phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức.

Cùng với khó khăn từ phía công dân thì theo nhiều ý kiến, hạn chế về phần mềm, máy móc đang là rào cản lớn cho cán bộ cơ sở. Đến nay, vẫn chưa liên thông giữa phần mềm DVC tại UBND phường với phần mềm bên Công an, nên khi có kết quả đăng ký khai sinh, công an phường vẫn phải trực tiếp đến UBND phường lấy rồi mang sang công an quận để làm hộ khẩu, mất nhiều thời gian. Đáng chú ý, “phần mềm cho hệ thống DVCTT đang sử dụng riêng trên mạng nội bộ chứ không như internet thông thường, nên cán bộ tư pháp phường vừa phải sử dụng máy tính do TP cấp để lấy hồ sơ trực tuyến của công dân nộp, vừa phải sử dụng máy khác để vào phần mềm của Sở Tư pháp lấy mã số định danh cá nhân cho trẻ. Tức là phải đồng thời dùng 2 máy tính và 3 phần mềm (phần mềm tư pháp, phần mềm của DVCTT, phần mềm Một cửa)” - chị Trần Thùy Dương - chuyên viên Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng phản ánh.

Vì vậy, cán bộ BPMC các phường đều kiến nghị TP sớm thống nhất hệ thống phần mềm để họ chỉ phải nhập 1 phần mềm và sử dụng 1 máy tính, nhanh chóng giải quyết cho công dân. Đồng thời, rất mong TP bố trí thêm 1 máy tính, 1 máy scan đặt phía ngoài cho công dân nộp hồ sơ online; cùng 1 máy in nối vào máy tính của cán bộ tư pháp để in bản chính giấy khai sinh trả công dân (vì phải sử dụng trên hệ thống mạng riêng biệt).

Cùng những rào cản khách quan thì theo khảo sát của phóng viên, có cả nguyên nhân chủ quan từ chính những “người trong cuộc”. Việc cán bộ một cửa, cán bộ tư pháp chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của DVCTT vẫn là một tồn tại lớn. Trong khi không ít cán bộ BPMC rất chủ động, vẫn còn nhiều cán bộ khác cho rằng, việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT không phải việc của mình. Chính vì vậy, mỗi khi có người đến làm TTHC khai sinh, khai tử thì họ không chủ động giới thiệu và trực tiếp hướng dẫn công dân thao tác trên máy mà thay vào đó, có lẽ vì muốn làm cho xong để lấy số lượng, “ghi điểm” với cấp trên nên họ làm luôn cho người dân “từ A đến Z”. Cứ như vậy, người dân sẽ mãi không biết tự thao tác để có thể nộp hồ sơ ngay từ nhà, cũng đồng nghĩa với việc DVCTT chưa thể đến được với công dân một cách thực chất.

Đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính ở các lĩnh vực

UBND TP Hà Nội vừa có Báo cáo số 169/BC-UBND về việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính (TTHC) năm 2016 trên địa bàn. Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá TTHC năm 2016, UBND TP thông qua phương án đơn giản hóa TTHC.

Các đơn vị đã thực hiện rà soát đối với 475 TTHC. Trong đó, lĩnh vực công thương, đề xuất phương án đơn giản hóa 21 TTHC, chiếm tỷ lệ 53,8% tổng số TTHC được rà soát, ước tính sẽ tiết kiệm được hơn 441 triệu đồng chi phí tuân thủ TTHC. Lĩnh vực VH&TT, đề xuất phương án đơn giản hóa 22 TTHC, chiếm tỷ lệ 32% trên tổng số TTHC được rà soát. Lĩnh vực TT&TT, đề xuất phương án đơn giản hóa 13 TTHC, chiếm tỷ lệ 20%, ước tính sẽ tiết kiệm được trên 2 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch, đề xuất phương án đơn giản hóa 13 TTHC, chiếm tỷ lệ 52%, với tổng chi phí tiết kiệm gần 1,7 tỷ đồng. Lĩnh vực GTVT, kết quả rà soát đã có 3 TTHC được bãi bỏ; có 6 TTHC có phương án đơn giản hóa giảm thời gian và 1 TTHC sử dụng dịch vụ công mức độ 3, đạt tỷ lệ 10,1%, với tổng chi phí tiết kiệm khoảng gần 1,6 tỷ đồng. Lĩnh vực xây dựng cũng đã đơn giản hóa 13 TTHC cấp sở và 11 TTHC cấp huyện sau khi thực hiện rà soát, đánh giá chiếm tỷ lệ 48%, ước tính sẽ tiết kiệm được gần 1,5 tỷ đồng.

Lĩnh vực KH&ĐT đã đơn giản hóa 23 TTHC sau khi thực hiện rà soát, ước tính tiết kiệm trên 4 tỷ đồng. Lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đơn giản hóa 6 thủ tục. Lĩnh vực TN&MT đã đơn giản hóa 61 TTHC, chiếm trên 67% tổng số TTHC được rà soát, ước tính sẽ tiết kiệm được trên 22 tỷ đồng.

Nội dung các phương án, sáng kiến đơn giản hóa tập trung vào những nội dung: Kiến nghị bãi bỏ, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, rút ngắn các bước trong quy trình thực hiện. Bãi bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, loại bỏ yêu cầu điều kiện bất hợp lý gây phiền hà. Trên cơ sở kết quả rà soát, TP cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC.

Bảo Quyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuc-hien-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-3-cap-phuong-nhieu-nut-that-can-thao-go-257882.html