Thực hiện Đề án Văn hóa công vụ: Hoàn thiện phong cách chuẩn mực

Bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm

LTS: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg (ngày 27-12-2018) về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Với những nội dung được đúc kết quy định về chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, Đề án được kỳ vọng sẽ khơi dậy quyết tâm và niềm tin vào tính chuyên nghiệp, hiệu quả của các cơ quan công quyền. Báo Hànôịmới giới thiệu loạt bài về vấn đề này.

Thực hiện tốt Đề án Văn hóa công vụ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuẩn mực. Ảnh: Bá Hoạt

Thực hiện tốt Đề án Văn hóa công vụ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuẩn mực. Ảnh: Bá Hoạt

Tiến trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ nhân dân đã tiến những bước dài với hàng loạt thủ tục không cần thiết được cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết. Nhưng mục tiêu lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo cho hiệu quả cải cách hành chính vẫn cần nhiều cố gắng thực hiện hơn nữa. Việc này đã được Bộ Nội vụ nêu ra và Thủ tướng có chỉ đạo rõ trong Đề án Văn hóa công vụ.

Điển hình của sự thờ ơ mà báo chí phản ánh gần đây là vụ việc một cháu bé 12 tuổi tử vong do tai nạn giao thông vào ngày 7-12-2018 và người thân rất vất vả, liên tục đi "xin" các loại giấy tờ xác nhận của cơ quan công an, bệnh viện… nhằm làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân. Thế nhưng, đến ngày 18-12-2018 vẫn bị cán bộ phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) từ chối với lý do: “Công an xác nhận nội dung không đúng”. Đến lần thứ tư, dù đưa đủ giấy tờ theo yêu cầu cho cán bộ phụ trách, người thân của nạn nhân vẫn tay trắng ra về. Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND phường này lúc đầu vẫn khẳng định cán bộ của phường làm đúng quy định, sau đó mới mong được “thông cảm”...

Những câu chuyện như trên vẫn xảy ra làm phiền lòng người dân. Ngay tại Hà Nội - nơi có trình độ dân trí cao, việc kiểm tra, giám sát được UBND thành phố tiến hành thường xuyên, liên tục, nhưng chưa hết những lời phàn nàn về giải quyết các thủ tục hành chính thiết thân đối với người dân, như: Khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, thủ tục nhà đất, xây dựng… Qua giám sát của HĐND TP Hà Nội cho thấy, vẫn còn tình trạng, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử hoặc thiếu tinh thần phục vụ nhân dân. Cụ thể, ở xã Thạch Thán (Quốc Oai); xã Di Trạch (Hoài Đức); xã Uy Nỗ (Đông Anh); phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy); bộ phận quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông - Vận tải); bộ phận "một cửa" Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp… còn có những cán bộ ứng xử chưa phù hợp.

Gần đây nhất, ngày 5-1-2019 là ngày các cơ quan hành chính sự nghiệp làm bù cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các công sở triển khai thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, nơi mà lẽ ra phải gần dân nhất là cấp xã, phường, có nơi còn xao nhãng. Cụ thể là tại trụ sở UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, vào thời điểm gần 11h, bộ phận "một cửa" khóa cửa, các phòng làm việc không có người, kể cả phòng Chủ tịch UBND xã cũng khóa chặt. Song, trên tầng 3, có nhiều người đang liên hoan, ăn uống, chúc tụng, khiến người dân đến trụ sở UBND xã xin xác thực lý lịch để nộp hồ sơ xin việc làm phải quay về. Khi phóng viên thắc mắc "hôm nay là thứ bảy - ngày làm bù, công sở phải làm việc cả ngày..." thì không nhận được sự phản hồi.

Ngoài ra, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng, nhưng 51% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng. Lý do đưa ra là chính sách chung của chúng ta tốt, nhưng đội ngũ công chức thực hiện chưa thực sự tốt. Điều này gây phiền hà cho doanh nghiệp và có thể cho là hành vi cản trở sự phát triển.

Cán bộ phải "4 xin, 4 luôn"

Cho rằng, thờ ơ, vô cảm là căn bệnh kinh niên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay; chỉ bằng các cuộc vận động hay tuyên truyền khẩu hiệu không thôi chưa đủ, tháng 9-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu phải: “Thực hiện nghiêm việc xin lỗi, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định giải quyết thủ tục hành chính”. Tiếp đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và coi đó là cơ sở quan trọng để dần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác trách nhiệm; không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Trong giao tiếp với người dân, phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn và thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đi liền với đó, Đề án cũng đề cập nội dung văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các khía cạnh: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục… để việc triển khai được đồng bộ, thống nhất.

Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện văn hóa công vụ. Trong đó, trước tiên là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ của cơ quan, tổ chức, hướng tới nâng cao năng suất lao động, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ theo chương trình, kế hoạch hằng năm của Thanh tra Bộ Nội vụ và Thanh tra Sở Nội vụ. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công vụ và tổ chức thực hiện các quy định về văn hóa công vụ, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, để thực hiện Đề án Văn hóa công vụ, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong kế hoạch hằng năm. Bộ Nội vụ cũng đã giao cho Viện Khoa học tổ chức nhà nước phối hợp với Văn phòng bộ triển khai các nội dung của Đề án.

(Còn nữa)

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/924440/thuc-hien-de-an-van-hoa-cong-vu-hoan-thien-phong-cach-chuan-muc