Thực hiện đầu tư thâm canh tăng năng suất mía nguyên liệu

Trước thực trạng diện tích, năng suất, chất lượng mía nguyên liệu liên tục giảm trong những năm vừa qua, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu mía của tỉnh đã phối hợp với các công ty mía đường thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó, trọng tâm là đầu tư thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

Diện tích trồng mía nguyên liệu của gia đình ông Nguyễn Văn Sáu, xã Thọ Hải (Thọ Xuân).

Theo báo cáo của các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng mía nguyên liệu thấp, đó là ở một số địa phương, diện tích trồng mía còn manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều hộ dân chậm thay đổi cơ cấu giống, chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng một số loại phân bón không đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây mía. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết khắc nghiệt liên tục diễn ra trong niên vụ 2017-2018 cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm sút so với kế hoạch.

Tại huyện Thọ Xuân, diện tích mía nguyên liệu khoảng 2.600 ha, sản lượng trung bình đạt 65 tấn/ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, huyện đã chủ trương khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện thâm canh. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sáu, xã Thọ Hải có hơn 20 ha mía nguyên liệu. Từ niên vụ 2017-2018, gia đình đã thực hiện áp dụng thâm canh hơn 5 ha mía. Thực tế sản xuất cho thấy, diện tích mía thực hiện các biện pháp thâm canh cho năng suất, chất lượng mía cao hơn, bình quân đạt 90 tấn/ha; lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha. Ông Sáu cho biết: Từ việc thử nghiệm thâm canh niên vụ trước, năm nay gia đình đã mở rộng diện tích thâm canh lên 15 ha, sử dụng cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc... ước tính trên diện tích thực hiện thâm canh của gia đình, năng suất mía nguyên liệu có thể đạt từ 90 đến 95 tấn/ha. Được biết, từ niên vụ 2017-2018, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã triển khai xây dựng 60 mô hình thâm canh tại các địa phương trong vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn, với tổng diện tích gần 500 ha, sử dụng cơ giới hóa đồng bộ, các loại giống mới, kỹ thuật chăm sóc tiên tiến... nên năng suất bình quân đạt từ 90 đến 95 tấn/ha.

Vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Nông Cống chủ yếu tập trung tại các huyện Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân và một số xã của các huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa. Theo báo cáo của đơn vị, niên vụ 2017 – 2018, tổng diện tích mía nguyên liệu toàn vùng là 2.663 ha, giảm so với niên vụ trước 1.775 ha; sản lượng mía nhập về nhà máy là 65.900 tấn. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cả diện tích, sản lượng và chất lượng mía nguyên liệu của công ty đều giảm sút, chữ đường bình quân toàn vùng chỉ đạt khoảng 7 CCS. Chất lượng mía giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía và hiệu quả sản xuất của công ty.

Để phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, từ niên vụ 2017-2018, tại vùng nguyên liệu mía đường Nông Cống đã triển khai xây dựng 16 mô hình thâm canh với tổng diện tích gần 50 ha và đây là các điểm để người trồng mía tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất mía nguyên liệu. Qua thử nghiệm, những mô hình thực hiện thâm canh, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, cây mía nguyên liệu có thể cho năng suất đạt 85 tấn đến 90 tấn/ha, cao hơn so với diện tích mía nguyên liệu sản xuất đại trà khoảng 25 đến 30 tấn/ha/vụ. Do đó, đến niên vụ 2018-2019, công ty đã mở rộng diện tích mía thâm canh đạt 1.500 ha tại các huyện Như Thanh, Nông Cống. Ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Nông Cống, cho biết: Cùng với chính sách hỗ trợ phát triển vùng mía thâm canh của tỉnh, công ty cũng có những chính sách hỗ trợ riêng về hạ tầng thủy lợi, kỹ thuật, vận chuyển để khuyến khích người dân tăng diện tích mía thâm canh. Bên cạnh đó, trồng các giống mía chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương, như: LS1, KK3, VDD55, LK92-11... Hiện tại, diện tích mía thâm canh phát triển tốt, dự kiến cho năng suất khoảng 90 tấn/ha, chữ đường đạt từ 8 CCS trở lên. Thời gian tới, công ty sẽ áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch, đưa giống mía chất lượng cao QDD42 vào trồng thử nghiệm. Đồng thời, giảm một số diện tích nhỏ lẻ, địa hình đồi dốc cao, khó áp dụng cơ giới hóa.

Tỉnh ta chủ trương đến năm 2020 đạt khoảng 25.800 ha mía nguyên liệu và ổn định đến năm 2025. Trong đó, có khoảng 20.000 ha mía thâm canh. Do đó, để đạt được mục tiêu, ngoài những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các nhà máy thì các địa phương cần đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất, tiến hành xây dựng những cánh đồng mía mẫu lớn. Đồng thời, khuyến khích người dân chọn và sử dụng các giống mía có năng suất, chữ đường cao, như: Việt Đường, Quế Đường, ROC, Viên Lâm, MI... đưa vào sản xuất; đẩy nhanh áp dụng cơ giới hóa, kết hợp với các biện pháp thâm canh trong quá trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/j3i3jy/new-article.aspx