Thực hiện Công ước ICCPR thông qua việc bảo đảm quyền đi lại tự do của công dân

Tại Điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó; Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình; Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận; Không ai bị tước đoạt một cách tùy tiện quyền được trở về nước mình.

Tại Việt Nam, Hiến pháp quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 23). Công dân Việt Nam có quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của pháp luật và Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Quyền tự do cư trú bị hạn chế trong các trường hợp người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người bị tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế; người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành (các Điều 3, 5 và 10 Luật Cư trú).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với công dân Việt Nam, Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17-8-2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã có quy định cụ thể về việc cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam (Chương III); quy định về chưa được xuất cảnh, chưa được cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam (Chương IV)...

Đối với người nước ngoài, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (LXNC) đã được ban hành vào năm 2014 với nhiều quy định cụ thể như thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp (Điều 6); điều kiện nhập cảnh (Điều 20); các trường hợp chưa cho nhập cảnh (Điều 21); điều kiện xuất cảnh (Điều 27); các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh (Điều 28)...

Người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh trong trường hợp: Hết thời gian tạm trú nhưng không xuất cảnh; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều 30 LXNC). Từ khi LXNC có hiệu lực (ngày 1-1-2015) đến nay, Việt Nam chưa thực hiện buộc xuất cảnh trường hợp nào.

Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đang là bị can, bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc đang là bị đơn, người bị kiện, người có nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, hôn nhân và gia đình; Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định của Hội đồng xử lý cạnh tranh; Chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Vì lý do quốc phòng, an ninh (Điều 28 LXNC).

Người nước ngoài nhập cảnh được phép cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (tạm trú hoặc thường trú) (Chương VI LXNC). Đối với trường hợp người nước ngoài tạm trú thì thời hạn tạm trú bằng thời hạn của thị thực; đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế thì thời hạn tạm trú là thời hạn được quy định trong điều ước quốc tế đó, nếu điều ước không quy định thì thời hạn này là 30 ngày. Khi tạm trú thì người nước ngoài phải khai báo tạm trú với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Thời hạn tạm trú có thể được gia hạn theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định (các Điều 31 và 35 LXNC).

Người nước ngoài có thể được xét thường trú tại Việt Nam nếu họ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (Điều 39 LXNC). Từ năm 2000 đến tháng 6 năm 2013, Việt Nam có 620 người nước ngoài được giải quyết thường trú để sống với vợ, chồng là công dân Việt Nam, 2 người được thường trú do được tặng Huy chương và chưa có người nào xin thường trú vì lý do chính trị.

Chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là đảm bảo di cư hợp pháp, an toàn và thường xuyên; phòng, chống di cư bất hợp pháp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong suốt quá trình di cư. Tính đến năm 2016, có hơn 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tron đó có gần 127.000 lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài tại khoảng 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vẫn có một số ít công dân Việt Nam vượt biên trái phép hoặc nhập cảnh và cư trú trái phép tại nước ngoài vì mục đích kinh tế. Việt Nam đã và đang hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề này; phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại tiến hành nhận trở lại những người này, giúp họ sớm ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng sau khi trở về.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, thủ tục xuất, nhập cảnh đã được cải cách như mở rộng đối tượng được đơn phương miễn thị thực (từ 7 nước lên 13 nước); nâng thời hạn thị thực; miễn thị thực cho thành viên tổ bay của 17 nước, vùng lãnh thổ trên nguyên tắc có đi có lại; thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-hien-cong-uoc-iccpr-thong-qua-viec-bao-dam-quyen-di-lai-tu-do-cua-cong-dan-165022.html