THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI: CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM GIẢI QUYẾT

Thảo luận ở hội trường về KT-XH, NSNN, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ngày 04/11, các ĐBQH cho rằng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm và cần sớm có phương án giải quyết.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn

Theo đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình hợp với lòng dân, sát đúng với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Về cơ bản đã đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời rút ra được nhiều kinh nghiệm thực tiễn góp phần triển khai có hiệu quả trong giai đoạn tới.

Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, kinh tế phát triển khá, văn hóa, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và tăng cường. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, nhất là vùng khó khăn. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xóm, khối bản được đầu tư xây dựng mới. Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng bằng nhiều hành động thiết thực như hiến đất, góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hỗ trợ các doanh nghiệp đã ủng hộ, đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng lên. Một số doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò nòng cốt trong chuỗi kết hợp sản xuất hàng hóa, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả mà được nhân rộng.

Đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Tuy nhiên, ở một số địa phương trong thời kỳ đầu chưa quyết liệt, sự vào cuộc thực sự thực hiện chương trình còn chậm. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế đề ra. Việc lồng ghép các chương trình xây dựng dự án khác thực hiện chương trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương vẫn còn nợ xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dẫn đến còn lúng túng trong phân bổ nguồn lực để trả nợ. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả chưa cao, chưa có các mô hình kinh tế có hiệu quả với quy mô lớn, có tính đột phá. Mặc dù đạt và vượt mục tiêu để ra, nhưng còn sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa nông thôn mới, giữa các vùng, miền đồng bằng đạt 65%, miền núi 25%, số còn lại 222 xã đặc biệt khó khăn.

Đại biểu Trần Văn Mão cho biết, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong tồn tại, hạn chế nêu trên. Trong đó chủ yếu do triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn suy thoái kinh tế, khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước, đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lụt tàn phá nặng nề. Các văn bản còn chưa thống nhất, có sự thay đổi, không ổn định. Bộ tiêu chí quốc gia còn nhiều bất cập. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả.

Từ những kết quả tồn tại, hạn chế nêu trên, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong nông thôn mới trong giai đoạn tới, đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị triển khai một số giải pháp. Trong đó, hướng dẫn việc lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác để góp phần xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân, tránh huy động quá sức dân. Có cơ chế chính sách cụ thể để ngăn đào tạo nghề với lao động nông thôn. Có hướng dẫn về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Có cơ chế đặc thù đối với các huyện, điểm trong xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cần có mức hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ của trung ương cho tỉnh từ chưa tự cân đối được nguồn ngân sách, bảo đảm đặc thù, tình hình thực tế của từng địa phương. Bố trí nguồn lực theo hướng ưu tiên tiêu chí nâng cao đời sống của nhân dân ở nông thôn.

Cần coi trọng ưu tiên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế, công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực đầu tư của trung ương đúng quy định, sát thực tế, linh hoạt phù hợp với động lực và tạo động lực thúc đẩy để các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng quốc gia nông thôn mới trong giai đoạn tới.

Chính phủ chỉ đạo các địa phương để có lộ trình, kế hoạch cụ thể, để duy trì, nâng cao các tiêu chí chuẩn quốc gia ở các xã, huyện đã đạt nông thôn mới, tránh tái mất chuẩn. Đặc biệt là đối với các xã hiện nay xây dựng nông thôn mới chưa đạt đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần phải quan tâm đầu tư một cách hết sức để bảo đảm theo đúng quy trình và đạt mục tiêu.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang ghi nhận việc triển khai thực hiện chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; qua đó khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với lòng dân, đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, kết quả xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhiều địa phương còn khó khăn, đặc biệt là các vùng, các khu vực, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở những vùng này còn khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền của cả nước. Chỉ rõ, hai vùng có tỷ lệ xã đạt nông thôn mới còn thấp nhất là miền núi phía Bắc đạt 33,4%, Tây Nguyên 44,2%, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, do nhu cầu nguồn lực xây dựng nông thôn mới của các địa phương này rất lớn, nhưng khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, xuất phát điểm thấp. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số. Mặt khác, do tác động của thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các chỉ tiêu về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập hộ nghèo và môi trường.

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong thực hiện chương trình thì việc có cơ chế hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương theo hướng ưu tiên cho các địa phương gặp khó khăn là cần thiết. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trong phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cần tính đến các nấc thang hệ số phân bổ vốn như quy định hệ số cấp tỉnh hoặc quy định hệ số theo 7 vùng trên cả nước. Trong đó, cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với tỉnh, vùng còn nhiều khó khăn. Trên cơ sở hệ số cấp tỉnh hoặc vùng quy định hệ số phân bổ vốn đến cấp huyện, cấp xã, trong đó cần tính đến hệ số hỗ trợ đối với xã, huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở khu vực nông thôn

Có cùng nhận định, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt ở nhiều vùng nông thôn, nhưng các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm và cần sớm có phương án giải quyết để nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đại biểu Vũ Thị Nguyệt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực nông thôn.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt chỉ rõ ô nhiễm môi trường từ rác và nước thải đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân ở rất nhiều vùng nông thôn. Hiện nay, lượng nước thải ở khu vực nông thôn thải ra môi trường rất là lớn, gây ô nhiễm môi trường sống, làm ô nhiễm các dòng sông, nguồn nước dùng trong sinh hoạt và cả sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Không khó để thấy tình trạng nước thải sinh hoạt chảy tràn ra đường, ao hồ, sông ngòi, vừa xấu về hình ảnh và vừa gây khó chịu do mùi. Lượng nước thải này ngấm xuống đất làm ô nhiễm không chỉ nước mặt mà đối với cả nước ngầm.

Nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi mới chỉ có một phần nhỏ là được xử lý, còn đa phần là thải trực tiếp ra môi trường hoặc là tự thấm mà chưa được thu gom, xử lý triệt để đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Nhiều cuộc giám sát về chất lượng nước mặt của các cơ quan chức năng cho thấy có nhiều thông số nguy hại vượt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Theo số liệu nghiên cứu của Viện Nước tưới tiêu và môi trường ở một địa phương về nước mặt, nước ngầm và hệ thống tưới tiêu cho thấy ở ao, hồ có khoảng 13% mẫu nước ô nhiễm ở mức độ nghiêm trọng và không sử dụng được cho một mục đích nào, có 25% chỉ sử dụng được cho mục đích giao thông thủy lợi, có 48% có thể sử dụng được cho mục đích tưới tiêu và chỉ có khoảng 18% có thể sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Đại biểu cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do lượng rác thải và mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải ngày nay càng tăng; nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn hầu như chưa được xử lý mà đều để tự ngấm hoặc là đổ thẳng ra môi trường. Rất nhiều địa phương chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cũng như là nước thải trong chăn nuôi. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng các hộ chăn nuôi lớn vẫn còn nằm xen kẽ ở trong các khu dân cư. Người dân chưa thực sự ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong việc quản lý nguồn nước thải cũng như chưa được hướng dẫn một cách đầy đủ các biện pháp để xử lý các nguồn nước thải này.

Trước thực trạng đó, đại biểu Vũ Thị Nguyệt đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc kiểm soát nguồn nước thải từ chính gia đình cũng như từ khu vực xung quanh. Chính quyền các địa phương cần có phương án và quyết liệt di dời các hộ chăn nuôi còn xen kẽ trong các vùng dân cư ra khu vực tập trung riêng để thuận tiện cho việc thu gom cũng như là xử lý nước thải về chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp và nhà nước cần phải hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải và đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để có thể duy trì vận hành các công trình này./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49654