Thực hiện chương trình GDPT mới với tâm thế tốt nhất

Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Cùng ngày, Thứ trưởng cũng đã kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó dịch bệnh Covid-19 tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ làm việc với ngành Giáo dục tỉnh Hải Dương.

Sẵn sàng tâm thế triển khai chương trình GDPT mới

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lương Văn Việt – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương – cho biết: Các nội dung trong Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 và Quyết định 404/QĐ-TTg, Quyết định 2632/QĐ-BGD&ĐT được các cấp cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị nghiêm túc tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh dưới nhiều hình thức.

Công tác truyền thông và biểu dương người tốt, việc tốt trong hoạt động đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT được thực hiện tích cực. Ngành Giáo dục đã dành lực lượng cốt cán, tinh nhuệ nhất tham gia góp ý cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT năm 2018.

Về tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, theo ông Lương Văn Việt, Ban Biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh, đặc biệt tiểu ban biên soạn Tài liệu cấp tiểu học đã rất tích cực, khẩn trương triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra tại trường Tiểu học Thanh Bình.

Sau khi có tài liệu, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên theo hướng, đảm bảo 100% giáo viên được tập huấn sử dụng Tài liệu và dạy học Chương trình giáo dục địa phương trước khi bước vào năm học mới theo lộ trình thực hiện của Bộ GD&ĐT.

“Thời gian qua, giáo dục Hải Dương đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp đổi mới giáo dục phổ thông khi chưa thực hiện chương trình GDPT 2018. Trong đó có đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thực hiện tốt tổ chức ôn thi THPT quốc gia.

Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống,… đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, sát với thực tiễn địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phát triển trường THPT chuyên...” – Giám đốc Lương Văn Việt chia sẻ.

Nói về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, ông Lương Văn Việt cho biết, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo soát số lượng công chức, viên chức, nhân viên trong đơn vị, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản ly s, giáo viên các cấp và thực hiện hợp đồng giáo viên theo đúng công văn chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra tại trường Tiểu học Liên Hồng.

Từ kết quả đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ ây dựng kế hoạch chỉ tiêu biên chế trên cơ sở quy định và hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT năm 2018; tham mưu trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức xét tuyển viên chức năm 2019 và thi tuyển viên chức (dự kiến thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2020). Công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đội ngũ; thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp với UBND các huyện/thành phố/thị xã ban hành các Nghị quyết về GD&ĐT, tập trung tăng cường kinh phí, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị,...nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới.

“Có thể nói, đến thời điểm này, giáo dục Hải Dương đã sẵn sàng thực hiện chương trình mới với tâm thế tốt nhất, trong điều kiện cơ sở vật chất và con người tốt nhất” – ông Lương Văn Việt khẳng định.

Ông Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc.

Nắm vững quy trình để chọn được bộ SGK phù hợp nhất

Sau khi nghe các ý kiến chia sẻ, trao đổi của lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng các phòng GD&ĐT và một số lãnh đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn, cùng thực tế khi kiểm tra 2 cơ sở giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết 88 của tỉnh Hải Dương.

Theo Thứ trưởng, mục đích của Nghị quyết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Thứ trưởng cho biết, đổi mới lần này thực chất là đổi mới từ mục tiêu, từ đó kéo theo thay đổi về nội dung, phương pháp, cách đánh giá và các điều kiện kèm theo. Do đó, phải xây dựng lại chương trình, SGK theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Để chuẩn bị tốt nhất và để cơ sở làm quen sớm với đổi mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra cơ sở giáo dục tại Hải Dương.

Văn bản này hướng dẫn các nhà trường trong thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, giáo dục; từ đó các cơ sở giáo dục không bị bỡ ngỡ khi thực hiện chương trình mới.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến các điều kiện thực hiện chương trình; trong đó có điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ; đồng thời đề nghị hiệu trưởng các nhà trường lựa chọn thầy cô có đủ năng lực, trách nhiệm để dạy lớp 1 – lớp đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới. Cùng với đó, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, giúp thầy cô hiểu sâu sắc chương trình mới.

Cho biết lần đổi mới này, chương trình được viết theo hướng mở, một chương trình, 1 chuẩn đầu ra nhưng có nhiều bộ sách với những cách tiếp cận khác nhau cùng hướng đến chuẩn đầu ra đó, Thứ trưởng yêu cầu các thầy cô, nhà trường cần đọc kĩ, nắm chắc hướng dẫn lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT, nắm vững quy trình lựa chọn SGK để chọn được bộ sách phù hợp nhất với điều kiện cụ thể của nhà trường, địa phương và nhận thức của học sinh...

Trân trọng tiếp thu các ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT, ông Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – yêu cầu ngành Giáo dục, từ Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, nhà trường trực tiếp tiếp nhận những nội dung này cần chủ động thực hiện, không đợi thể chế hóa thành kết luận mới triển khai; đồng thời, Sở GD&ĐT tiếp thu để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo tới đây cho sát sao hơn, hiệu quả hơn.

Riêng với đội ngũ, từ thực tế Hải Dương, ông Lương Văn Cầu đề nghị xem xét giảm biên chế ngành Giáo dục cần phải có tính chất đặc thù, đáp ứng cho đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến trường Tiểu học Thanh Bình và trường Tiểu học Liên Hồng, thành phố Hải Dương để kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT và kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thuc-hien-chuong-trinh-gdpt-moi-voi-tam-the-tot-nhat-4066074-v.html