Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu

Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Để hạn chế sự gia tăng nợ xấu, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã, đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý và ngăn ngừa nợ xấu phát sinh.

Được vay vốn của ngân hàng, Công ty CP Xuất khẩu nông sản Thành Trung (Nông Cống) phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng củng cố, chấn chỉnh hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung xử lý, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mục tiêu đề ra là đến hết năm 2019 không để nợ xấu vượt quá 1% trong tổng dư nợ.

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của NHNN về hoạt động tín dụng và tình hình kinh tế địa phương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Vốn tín dụng được tập trung đầu tư trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh; cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp sạch, hoạt động xuất khẩu... Tính đến hết tháng 7-2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 115.150 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm. Nguồn vốn tín dụng được đầu tư trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng thì những khoản đầu tư tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ chuyển sang nợ quá hạn và nợ xấu cũng gia tăng. Theo thống kê của NHNN Thanh Hóa, hết tháng 7-2019, tổng nợ quá hạn trên địa bàn tỉnh là 1.128 tỷ đồng, chiếm 1,04%/tổng dư nợ. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh, khó khăn về tình hình tài chính và khả năng trả nợ.

Để giải quyết và thu hồi nợ xấu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo xử lý và thu hồi nợ; tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ để có những giải pháp thu hồi cụ thể. Những khoản cho vay nào có triển vọng, hiệu quả sẽ cơ cấu lại; những khoản vay xét thấy không còn hiệu quả sẽ thực hiện bán khoán tài sản, chuyển giao thu hồi nợ. Đối với khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngân hàng phối hợp với khách hàng để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp, như giãn thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi vay, hạ lãi suất cho vay một cách hợp lý để khách hàng giảm bớt khó khăn về tài chính.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc kiềm chế và xử lý nợ xấu. NHNN Thanh Hóa đã chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các ngân hàng nhằm chấn chỉnh và minh bạch hoạt động của các đơn vị; tập trung giám sát việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn không ngừng nâng cao năng lực quản lý và thẩm định các dự án đầu tư, lựa chọn các dự án đầu tư an toàn, hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ tín dụng cho vay không đúng quy định. Xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với trường hợp cán bộ thẩm định, định giá của ngân hàng có hành vi móc nối với khách hàng để nâng giá trị tài sản thế chấp nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Quán triệt đến cán bộ tín dụng, trong quá trình thỏa thuận hợp đồng, nhất là hợp đồng bảo lãnh thế chấp của bên thứ 3, cần giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của người bảo lãnh, cần thể hiện rõ ràng các điều khoản hợp đồng, tránh đưa các nội dung đa nghĩa để có thể hiểu điều khoản ký kết theo nhiều hướng khác nhau, gây khó khăn cho quá trình xử lý tranh chấp. Qua đó, hạn chế nợ xấu phát sinh, bảo đảm tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, 7 tháng năm 2019, toàn ngành ngân hàng đã xử lý và thu hồi được hơn 100 tỷ đồng nợ xấu. Một số ngân hàng thực hiện xử lý nợ xấu đạt kết quả tốt, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thanh Hóa, Ngân hàng TMCP Công Thương - Chi nhánh Thanh Hóa; Ngân hàng TMCP Ngoại thương - Chi nhánh Thanh Hóa...

Thời gian tới, để giảm nợ xấu, quản lý rủi ro, NHNN Thanh Hóa yêu cầu các ngân hàng thương mại cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với nguồn vốn huy động cả về quy mô và cơ cấu, phù hợp với tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế tín dụng. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng, nâng cao chất lượng tín dụng, lành mạnh hóa tài chính các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Minh Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuc-hien-cac-giai-phap-xu-ly-no-xau/106263.htm